Cuộc sống như lắng lại, chậm rãi và bình yên. Bởi ở đó là tâm thế của người Hà Nội bình tĩnh, giữ vững niềm tin, không tỏ ra hoang mang, bối rối mà chủ động đối phó với những khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo bước chân của nhà báo Ngô Vương Anh, chúng tôi dạo qua những con phố vốn sầm uất, tấp nập hàng quán, người dân, du khách trong nước, quốc tế từng ngược xuôi, như: Tạ Hiện, Hàng Trống, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Ngang, quanh khu vực hồ Gươm… nay vắng lặng. Ngày 2-4 là ngày thứ hai thành phố thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Quanh Hồ Gươm chỉ lác đác người thư thái tập thể dục, lực lượng an ninh phường Hoàn Kiếm luôn có mặt túc trực tuyên truyền cho người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và khuyên người dân nên trở về nhà sau khi đã thể dục xong. Góc phố Tạ Hiện, Hàng Bạc trước rạp Chuông Vàng loa phát thanh vang lên giai điệu “…Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau…”. Trên phố Tạ Hiện, chủ nhà hàng Thịnh Vượng ở số nhà 13 ngồi hóa vàng sau khi thắp hương ngày giỗ Tổ, anh cho biết: Mọi năm gia đình đều lên đền Hùng (Phú Thọ) thành kính dâng lễ. Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp kèm theo quy định tránh tụ tập đông người nên gia đình ở tại nhà sửa soạn mâm cơm cúng giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.

leftcenterrightdel
 Phố Lê Thái Tổ dọc Hồ Gươm vắng lặng trong những ngày Hà Nội chống dịch.Ảnh: VƯƠNG ANH

Phố xá vắng người, hàng quán đóng cửa. Học sinh học online, một số cơ quan cũng làm việc online hoặc thay phiên nhau đến công sở bảo đảm quân số nhất định. Chỉ những ai có việc cần kíp mới ra đường. Cư dân Hà Nội đang nghiêm túc, tự giác thực hiện những khuyến cáo phòng dịch. “Những con phố hằng ngày tấp nập, thậm chí tắc nghẽn vào giờ cao điểm bỗng mang một bộ mặt mới hoàn toàn khác lạ khiến người quen vẫn có thể ngỡ ngàng. Cả thành phố đã “sống chậm” lại. Cũng có một vài thời khắc, một bộ phận người (có lẽ là do “yếu tâm lý”) tỏ ra xôn xao. Nhưng những giây phút đó qua nhanh. Tất cả đều đã biết và đã làm những thao tác cần thiết nhất để chống dịch cho mình, cho gia đình, cho những người xung quanh ở nơi làm việc và cả những không gian công cộng. Hà Nội vẫn bình tĩnh và tự tin chống dịch, làm chúng tôi mường tượng lại thời chống bom đạn chiến tranh năm xưa-yên tĩnh, tự tin và kỷ luật. Và chúng ta sẽ chiến thắng như đã từng chiến thắng”, nhà báo Ngô Vương Anh cho hay.

 Không phải đến ngày 1-4, khi có chỉ thị “giãn cách xã hội”, những công việc chống dịch mới bắt đầu mà từ khi xuất hiện dịch bệnh, mọi cư dân Hà Nội đã dần có ý thức và thái độ phòng dịch tích cực. Đến nay, mọi việc như đã “vào guồng” và tâm lý đã thích nghi. Từ các ngõ phố cho đến từng số nhà, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực với công suất và tốc độ tăng dần ở tất cả các khâu tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát… Liên hệ qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành của huyện chỉ đạo quyết liệt những biện pháp ứng phó. Trong đó, chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn tăng thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh nhằm tuyên truyền tới người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện đã có những thay đổi tích cực trong nếp sống. Để động viên, khích lệ người dân, huyện đã đưa ra hình thức khen thưởng đột xuất cho các gia đình có thành tích chung tay phòng, chống dịch Covid-19”.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Nhan ở thị trấn Quốc Oai, từ trước Tết Nguyên đán đã lên kế hoạch đám cưới cho cậu con trai duy nhất, đặt sẵn 70 mâm cỗ, thuê phông bạt, dịch vụ cưới hỏi và gửi giấy mời đến họ hàng, bạn bè. Tuy nhiên, sau khi nhận được công văn của UBND huyện Quốc Oai về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gia đình đã quyết định hủy toàn bộ 70 mâm cỗ, chấp nhận mất tiền cọc, đồng thời gọi điện thông báo đến khách mời. Đám cưới được đại diện cha mẹ hai bên gia đình tổ chức gọn nhẹ với lễ đón dâu và vài mâm cỗ đơn giản.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Hà Nội cho biết, để người dân nhận thức đúng tình hình, tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch Covid-19 và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc phòng, chống, Sở VHTT TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn toàn thành phố. Tại khu vực trung tâm thực hiện trang trí 30 cụm panô 2 mặt tại dải phân cách các tuyến đường; huy động 5.000 băng rôn dọc (kết hợp nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa) trên các tuyến phố chính; chuyển đến 30 quận, huyện, thị xã nội dung khẩu hiệu, mẫu tranh cổ động, mẫu băng rôn dọc và hướng dẫn cơ sở tổ chức trang trí tuyên truyền cổ động trực quan tại địa bàn.

Trước đó, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã triển khai một số nội dung thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gửi các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ theo quy định, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định, đồng thời xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Thanh tra Sở VHTT TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện tại cơ sở. “Có thể thấy, các tuyến đường tại Hà Nội giờ đây vắng người đi lại hơn rất nhiều, điều đó cũng cho thấy người dân Thủ đô đã nêu cao ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19”, ông Tô Văn Động cho hay.

 CHÂU XUYÊN