Hội thảo nhằm mục đích xem xét một cách khách quan, khoa học, phân tích, làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội và chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến thực trạng các di tích bị xuống cấp, xâm hại, vi phạm. Từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp có tính thuyết phục, có hiệu quả để đảm bảo cho việc thực hiện đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển bền vững”.
Hà Nội- nơi hội tụ các loại hình di sản văn hóa
Theo kết quả tổng kiểm kê, phân loại di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội, Thủ đô hiện có 5.922 di tích, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố. Ngoài ra còn có các loại hình di sản văn hóa như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam với sự hiện diện của 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới; các di tích quý hiếm không dễ tìm thấy ở nhiều vùng khác như: Thăng Long tứ trấn, Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Thời gian qua, ngành văn hóa và thể thao Hà Nội đã cố gắng tới mức tối đa với việc thực thi hiệu quả trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại Hà Nội là một trong những địa phương gặt hái được nhiều kết quả như: Nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, trong tổng số 5.922 di tích đã được kiểm kê, phân loại, Hà Nội có 1 di tích được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại đó là khu di tích lịch sử khảo cổ trung tâm Hoàng thành Thăng Long; 13 di tích được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt...
    |
 |
Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Hà Nội mới. |
“Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước qua hơn 10 thế kỷ, các thế hệ sống trên mảnh đất địa linh nhân kiệt đặc biệt nhất của đất nước đã sáng tạo và để lại cho hậu thế một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú về loại hình, có giá trị to lớn về nhiều mặt. Đó là những báu vật mà tổ tiên để lại cho chúng ta”, TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, Hà Nội là thành phố của di sản văn hóa. Vì vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm giúp các hoạt động văn hóa Thủ đô phát triển mạnh hơn và ngày càng đi vào chiều sâu, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước.
Phải bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Đó là ý kiến của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động. Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế. Số lượng di tích đồ sộ nhưng kết quả nghiên cứu, xếp hạng di tích chưa tương xứng, còn hơn 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa.
“Hà Nội đã cố gắn tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện có 220 di tích tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, đặc biệt có tới 166 di tích bị vi phạm…” ông Tô Văn Động cho biết.
Đồng quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, TS Phạm Quang Nghị cho rằng, bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất chứ không phải đối lập nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. Để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, thành phố luôn phải xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc cần ưu tiên bảo tồn cái gì, nơi nào tùy thuộc vào tầm vóc, giá trị và điều kiện cụ thể của từng di sản, di tích.
GS, TSKH Lưu Trần Tiêu khẳng định, kho tàng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long-Hà Nội mà tiền nhân để lại là tài sản quý giá, nguồn lực để phát triển Thủ đô. Thế hệ ngày nay có trách nhiệm bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và để chuyển giao tài sản đó cho các thế hệ mai sau.
PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam kiến nghị, Hà Nội cần thay đổi nhận thức và tư duy mang tính “đột phá” trong phương thức bảo tồn một đô thị di sản như Thủ đô Hà Nội. Vấn đề đó chỉ có thể được xử lý thỏa đáng trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và kiến trúc. Quy hoạch đó thể hiện tầm nhìn của thế hệ ngày nay về bảo tồn gắn với phát triển.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN