Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội đã sớm tiếp xúc với đạo Thiên Chúa. Những giáo sĩ được coi là đầu tiên đến kinh thành Thăng Long truyền giáo vào năm 1926, theo sử sách, đó là linh mục Giuliano Baldinotti (người Ý) và tu sĩ Piani (người Nhật) nhưng họ đã sớm phải rời đi sau 5 tháng do không biết tiếng Việt nên vô cùng khó khăn trong việc truyền giáo. Sau khi rời Thăng Long, họ gửi thư nhờ trợ giúp từ dòng Tên ở Đàng Trong và đến năm 1927, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660), thường phiên âm là Á-lịch-sơn Đắc Lộ, và Marquez lên đường đến kinh thành Thăng Long, và trong chuyến đi họ cũng thực hiện việc truyền giáo cho cư dân dọc đường. Chính trong năm 1927, lễ Giáng sinh đầu tiên đã được tổ chức long trọng mà vẫn tuân theo phong tục của đất kinh kỳ. Thời ấy, các giáo sĩ cũng được trọng thị, chính quyền còn xây dựng nhà thờ, nhà thương, và nhà ở cho họ ở kinh thành. Chỉ trong 3 năm, nơi đây đã có đến 5600 người theo đạo và 4 nhà thờ đầu tiên của Hà Nội. Sau này có nhiều vị giáo sĩ đến Thăng Long truyền đạo, tiếp tục xây dựng và củng cố đời sống đạo cho người Công Giáo nơi này.
Với lòng tự tôn dân tộc, tình yêu văn hóa, bản sắc quê hương, người Thăng Long khi tiếp cận với Thiên Chúa giáo nói riêng và văn hóa phương Tây nói chung, đã luôn tìm cách để “hòa nhập chứ không hòa tan”, hội nhập một tôn giáo mới lạ với văn hóa dân tộc bằng những phương pháp cực kỳ thuần Việt. Chẳng hạn: diễn ca Kinh Thánh bằng thơ lục bát, sử dụng lá dừa thay cho lá oliu trong ngày lễ lá, thêm cây Thánh giá trên cây nêu trước nhà trong ngày Tết Nguyên Đán,… Trên thực tế, chính sự du nhập của đạo Thiên Chúa đã giúp người Kẻ Chợ được tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới, từ hội họa, kiến trúc đến âm nhạc; ý nghĩa hơn cả chính là nền y học, khoa học phát triển của phương Tây, ngoài ra còn rất nhiều sự tiến bộ khác mà người Việt học hỏi được từ các giáo dân đến từ phương Tây, trong đó có thể kể đến sự ra đời của chữ Quốc Ngữ, sự phát triển của ngành in ấn, sự mở rộng trong lĩnh vực giáo dục;… Bên cạnh đó là hàng loạt công trình được thiết kế, xây dựng học hỏi từ những tiến bộ của phương Tây nhưng trên hết vẫn giữ nguyên được tinh thần, bản sắc dân tộc cũng như phù hợp điều kiện môi trường, khí hậu, thiên nhiên với lầu bát giác, bố cục kiểu tam quan, hệ thống mái ngói mái hiên,.. điển hình như: Trường Chu Văn An, Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, … Tuy nhiên, mặt trái của sự du nhập này không thể phủ nhận, đó là âm mưu xâm chiếm đất nước của thực dân Pháp. Song, không gì có thể dập tắt tình yêu nước của nhân dân ta. Càng thấy rõ bản chất của thực dân Pháp, tinh thần yêu nước của nhân dân ta lại càng được khích lệ, nhất là những người Công giáo có hiểu biết, có tri thức, càng có cái nhìn tân tiến, càng hiểu rõ các giáo lý của kinh Thánh, họ lại càng yêu nước thương dân, tinh thần đấu tranh vì Tổ quốc càng mạnh mẽ. Cũng chính họ, những người Công giáo ở Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Xuyên suốt dòng lịch sử, trải qua bao cuộc đấu tranh dân tộc, tới nay Thiên Chúa giáo vẫn tồn tại và phát triển trên mảnh đất Thăng Long với đời sống đạo mang những nét riêng biệt theo đặc trưng văn hóa của đất kinh kỳ. Lễ nghi phép tắc của đạo được dung hòa trong phép tắc của người Hà Nội.
Là một người con gái Tràng An, bà Phạm Thị Nguyệt, quận Ba Đình – Hà Nội, hiện đã ở tuổi lục tuần nhưng đều đặn các ngày Chủ Nhật, dù nắng hay mưa, bà đều đi lễ ở Nhà thờ: “Tuần nào tôi cũng thu xếp mọi công việc để không ảnh hưởng tới việc đi lễ Chúa. Trước kia chị em tôi thường đi bộ tới Nhà thờ Lớn, nhưng từ ngày về nhà chồng, tôi đa phần đi lễ ở Nhà thờ Cửa Bắc. Con cái tôi tuy không ai theo Đạo nhưng tôi vẫn thường chỉ bảo cho chúng những giáo lý tốt đẹp mà tôi nghĩ là không riêng đạo Thiên Chúa đâu, đạo nào cũng hướng tới các điều tốt đẹp cả.” Nếu ngày xưa các bà các cụ mặc áo dài đi lễ thì ngày nay mọi người ăn mặc kín đáo, lịch sự, gìn giữ sự tôn nghiêm. Một điểm nữa, bất cứ ai đến nhà thờ đều nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, nhã nhặn, thể hiện đặc trưng của người Tràng An cũng sự thấm nhuần các giáo lý trong Kinh Thánh.
Chị Nguyễn Ly, quận Tây Hồ - Hà Nội, cho biết: “Tôi vốn dĩ sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống thờ cúng tổ tiên, nhưng tôi lại kết hôn với người theo đạo Thiên Chúa. Ban đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, từ phía hai bên gia đình, từ vấn đề khác biệt tôn giáo... nhưng đến khi tôi theo học lớp tiền hôn nhân tại nhà thờ tôi thấy hiểu ra nhiều điều tuyệt vời từ tôn giáo này. Tôi không có sự so sánh giữa các tôn giáo nhưng thật sự các giáo lý mà tôi học được đã theo vợ chồng tôi nhiều năm nay, giúp gắn bó gia đình sau nhiều mâu thuẫn. Hiện cả gia đình vẫn đi lễ nhà thờ hằng tuần vào mỗi sáng Chủ Nhật. Đó thực sự là những quãng thời gian vô cùng ý nghĩa, chúng tôi được nghe Cha giảng điều hay lẽ phải và đó cũng là dịp các thành viên đều cảm thấy gắn kết hơn.”
Cả thế giới đang chung tay chống lại đại dịch Covid-19, và những người Công Giáo cũng góp phần mình tuyên truyền và có những hành động thiết thực trong cuộc chiến đấu này, đặc biệt, tại Hà Nội, các giáo dân tạm thời không đến lễ trực tiếp tại nhà thờ mà thay vào đó thực hiện các khóa lễ trực tuyến, và trong các Thánh Lễ, họ còn đọc một kinh nguyện đặc biệt mới được ban hành, theo đó, cầu nguyện cho dịch bệnh nhanh chóng qua đi. Đây thực sự là một việc làm vô cùng ý nghĩa, tuân theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc chống dịch. Có thể nói, trải qua hơn 4 thế kỉ, Thiên Chúa giáo và những con chiên của mình đã luôn phát huy truyền thống “tốt đạo – đẹp đời”, không chỉ Việt hóa tôn giáo đến từ phương Tây mà còn luôn đóng góp vào sự phát triển của thủ đô ngàn năm văn hiến, để Hà Nội ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Bài, ảnh: THÙY LINH