Hà Nội ở Thế kỷ 21 thật tươi mới trong diện mạo khang trang của sự phát triển, sự hội nhập và sự hiện đại. Ấy thế nhưng, những người đã cùng song hành với nhịp tiến lên của thủ đô chắc chắn không thể quên được các khu tập thể cũ tường vôi vàng đã tróc, dù chỉ là hình ảnh thoáng qua, chớp nhoáng hay là một kí ức sâu đậm. Những bức tường bong tróc, những khoảng sân chung, những chiếc cửa sổ màu xanh, và đặc biệt, những chiếc cầu thang nhỏ hẹp,… tất cả đều là “đặc sản” của các khu tập thể cũ.

Mỗi khu tập thể được xây dựng lại thiết kế cầu thang riêng, song, về cơ bản, đó là cầu thang bộ, lối đi khá hẹp với những khe tường xuyên sáng, cầu thang khá thoải và thường có một đường dốc nhỏ. Cái dốc ấy có khi được đặt ở lệch về một bên cầu thang, có khi lại đặt chính giữa cầu thang, tùy theo thiết kế và bố trí của từng khu nhà tập thể. Chỉ là cái dốc xi măng thôi nhưng chất chứa bao vui buồn của cư dân nơi ấy. Đó là những trưa hè oi bức, nặng nhọc đẩy chiếc xe đạp lên nhà sau khi tan trường. Đó là những chiều mưa hun hút mẹ vội đẩy chiếc xe chở mớ rau, con cá,... lên tận tầng 5 để lo bữa cơm tối. Đó là những ngày Chủ nhật cả lũ trẻ con trong khu hò reo chơi đủ trò trên các bậc thang đã không còn nguyên vẹn vì thời gian….

leftcenterrightdel
Từng bậc cầu thang trong những khu tập thể ở Hà Nội đã lưu giữ nhiều kỉ niệm của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Những khu tập thể cũ ở Hà Nội thường có 4 hoặc 5 tầng, một số khu chỉ có 2 tầng. Nhiều khu tập thể đặc trưng với cầu thang tối tăm, nhưng ở những khu khác, cầu thang được thiết kế với những bức tường hoa có khe sáng, vừa giúp không khí thông thoáng vừa giúp cầu thang đỡ bị tối, lại cũng có khu cầu thang thiết kế “lộ thiên” không tránh khỏi những trận mưa lớn. Thế nhưng, cầu thang kiểu đó nhiều khi rất “tiện”, bọn trẻ ở dãy nhà này có thể đứng ở cầu thang gọi với sang dãy nhà kia để rủ đám bạn cùng xuống sân chơi mỗi buổi chiều trong lúc chờ mẹ nấu cơm. 

Với những đứa trẻ lớn lên tại các khu tập thể cũ, bức tường cầu thang, nơi có những lỗ xuyên sáng dường như là một thế giới phong phú của trí tưởng tượng. Khi bố vội vã về nhà lúc tan sở, khi mẹ tất bật việc nhà, thì lũ trẻ có thể nhẩn nha ngắm nhìn thế giới của mình qua các khe sáng ấy. Vẫn là bầu trời lúc hoàng hôn, vẫn là những vệt nắng ban trưa nhưng với lũ trẻ, tất cả thật diệu kỳ và lý thú qua cái ô bé xíu đó. Chưa kể, trong một trò chơi nào đó, các ô tường bỗng chốc lại trở thành những “ngăn tủ” bất đắc dĩ để lũ trẻ bày biện, đặt để từng món đồ chơi của mình.

Trong các khu tập thể cũ ở Hà Nội, cầu thang, nhất định phải có chiếu nghỉ. Và một điều mà chỉ những người thuộc thế hệ 8x đổ về trước mới biết rõ, đó là: Đa số chiếu nghỉ tại các khu tập thể trước đây đều được “tận dụng” như một khoảng không gian chung. Các bà các mẹ thời bao cấp có thể “chia sẻ” chiếu nghỉ ấy để đặt bếp nấu cơm và cũng lúc ấy họ có thời gian trò chuyện rôm rả cho vơi bớt đi những nhọc nhằn của cuộc sống. Hoặc các bố, các ông có thể tận dụng chiếu nghỉ làm chỗ để xe, hay người dân trong khu có thể để những món đồ không còn sử dụng nữa ra đó, thay cho một kho chứa, và nếu diện tích kha khá thì chiếu nghỉ lại trở thành điểm vui chơi lý tưởng cho hội trẻ con…  Mà bọn trẻ con hay lắm, chúng đếm đi đếm lại mỗi lần bước lên cầu thang. Đếm đến thuộc lòng số bậc cầu thang rồi vẫn cứ đếm như một thói quen, như một thú vui mà khi lớn rồi vẫn có lúc vô thức lẩm nhẩm đếm tưởng chừng như mình được quay lại thành cô bé, cậu bé 2-3 tuổi dạo xưa.

Được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, các khu tập thể cũ ở Hà Nội đều xuống cấp nghiêm trọng, ngay cả những chiếc cầu thang cũng không còn được nguyên vẹn. Do đó, Nhà nước đã và đang có những chỉ đạo thiết thực để cải tạo một cách hợp lý các khu tập thể cũ. Sơn lại màu tường, sửa lại cầu thang, lắp thêm hệ thống chiếu sáng và phòng cháy, chữa cháy,… Tuy nhiên, dù được cải tạo nhưng các khu tập thể cũ vẫn giữ nguyên được cái “tinh thần” vốn có, dù xã hội vô cùng hiện đại so với trước kia nhưng lạc vào các khu tập thể này, ta thấy như một thước phim quay chậm về cuộc sống của nhiều năm về trước khi đất nước còn nhiều gian khó. Dù có những chiếc cầu thang được làm mới hoàn toàn, thậm chí phá bỏ hẳn cái dốc vốn là điểm nhấn của cầu thang, nhưng, bước chân lên đó ta vẫn cảm nhận được một Hà Nội xưa cũ và bình yên đến lạ.

Dù chỉ là một mảnh ghép mờ nhạt trong bức tranh tổng thể về Hà Nội, nhưng những chiếc cầu thang nói riêng và các khu tập thể cũ nói chung vẫn còn đó với những đặc trưng tưởng như được giữ nguyên vẹn từ đời này sang đời khác gợi lên những kí ức thân thương dẫu xa xôi nhưng dường như lại trở về thật gần. Biết bao thế hệ đã đến rồi đi, biết bao con người nguyện gắn bó mãi với căn hộ nhỏ cũ kỹ ấy, nơi được cho là thể hiện rõ nét “nếp sống” của người Hà Nội.

Bài, ảnh: QUỲNH TRANG