Sinh ra tại vùng quê Liên Hà có nghề mộc truyền thống, từ nhỏ Nguyễn Thị Hảo đã được tiếp xúc với nghề trong quá trình phụ bố làm việc. Bố của Hảo vốn là thợ mộc có tay nghề cao, những sản phẩm do ông làm ra đều bán rất chạy. Ước muốn mở rộng xưởng mộc và sáng tạo nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của bố Hảo đã phải dừng lại bởi bệnh tai biến nặng. Khi ấy, Hảo mới 16 tuổi.
    |
 |
Nguyễn Thị Hảo say mê nghề mộc. |
Hằng ngày nhìn ánh mắt tiếc nuối của bố, Nguyễn Thị Hảo đã quyết tâm sẽ làm một điều gì đó với nghề mộc. Từ bỏ công việc ổn định với mức lương tương đối khá, Hảo bắt đầu lao vào làm nghề mộc theo cách riêng của mình. Hảo quan niệm, nghề mộc không đơn thuần chỉ là lắp ghép những khối gỗ mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa toán học và nghệ thuật. Sản phẩm do Hảo làm ra khá đẹp mắt, phong phú và chi phí sản xuất khá thấp như: Con vật bằng gỗ, đồ chơi cho trẻ con, đồ dùng văn phòng...
Với phương châm lấy công làm lãi, một ngày làm việc của Hảo thường bắt đầu từ lúc sáng sớm tại xưởng gỗ và kết thúc khi trời đã tối để hoàn thiện nốt các khâu cuối cùng của sản phẩm. Mỗi món đồ bằng gỗ do Hảo tạo ra thường mất vài tiếng đồng hồ. Nhiều sản phẩm tỉ mỉ đòi hỏi từ 2 đến 3 ngày để hoàn thiện. Thu nhập nhận lại không bằng trước, trong khi công việc vất vả hơn nhưng Hảo vẫn kiên quyết theo nghề.
Với Hảo, sức khỏe cũng là một rào cản đối với việc theo đuổi đam mê nghề mộc. Cổ tay nhỏ, bàn tay yếu, Hảo không cầm dụng cụ mộc được lâu. Những vết trầy xước và sẹo xuất hiện trên bàn tay Hảo ngày càng nhiều. Nhưng nhìn ánh mắt của Hảo, chúng tôi thấy sự say nghề, quyết tâm của cô gái sinh năm 1992 này. Hảo tâm sự: “Không phải nghề mộc chỉ dành riêng cho đàn ông con trai to khỏe, mạnh mẽ. Người nhỏ làm việc nhỏ, không đóng được giường, tủ thì mình làm các đồ trang trí, dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ em”.
    |
 |
Sản phẩm nghệ thuật làm ra từ gỗ vụn. |
Hảo luôn trăn trở làm ra các sản phẩm độc đáo, kích thích sự sáng tạo và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con trẻ. Nỗ lực không ngừng nghỉ của Hảo đã nhận về những thành quả bước đầu. Những sản phẩm từ gỗ do Hảo tạo ra đều nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Chị đã có một cửa hàng nhỏ để bày bán những sản phẩm tâm huyết của mình. Chị Nguyễn Thu Thiện (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường cho con chơi các đồ chơi được làm ra từ gỗ bởi an toàn cho con trẻ, đẹp mắt, bền bỉ và giá thành khá phải chăng. Thật bất ngờ khi biết được nó được làm ra bởi đôi bàn tay của một người con gái”.
Với Nguyễn Thị Hảo, chặng đường theo đuổi nghề mộc của chị dường như mới chỉ bắt đầu. Trong tương lai, Hảo muốn hướng tới đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ gỗ vụn và đưa chúng đến gần hơn với các trường mầm mon, trường tiểu học. “Thông qua các sản phẩm từ gỗ, tôi tin tưởng các em nhỏ sẽ được phát triển sức sáng tạo của bản thân một cách tự do, khác biệt, và quan trọng hơn là an toàn. Đồng thời, tôi muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tận dụng và tái chế các nguyên liệu sẵn có để tránh lãng phí tài nguyên”, Hảo bộc bạch.
Bài và ảnh: MINH NHẬT