Lớp trẻ ngày nay có thể không được biết, Hà Nội của 6-7 thập kỷ trước, cứ vào ngày Rằm, mồng Một hằng tháng, nhà nào nhà nấy đều thơm ngát hương hoa, không phải từ những bình hoa lớn trưng trong nhà, mà từ các đĩa hoa cúng trên bàn thờ. Ngày nay còn rất ít gia đình lưu giữ truyền thống dâng đĩa hoa cúng, vậy nên, có lẽ, chỉ một số bạn trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x còn vương vấn ký ức về đĩa hoa xưa được gói lá dong, buộc lạt khéo léo vừa kín đáo, vừa không nát hoa.

leftcenterrightdel
Người bán hoa tuyển chọn từng bông để gói cho khách.

Trước kia, ngoài lọ hoa tươi, trên bàn thờ ngày tuần, người Hà Nội bao giờ cũng sắp sửa thêm một đĩa gồm những bông hoa nhỏ xinh, tươi thắm, ngát hương, mà người ta thường gọi là hoa cúng. Đây là một nét văn hóa riêng có của đất kinh kỳ, thể hiện tấm lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên nói riêng và những người đã khuất nói chung.

Hoa cúng ở Hà Nội xưa thường thiên về một số loại chính như: Mẫu đơn, mào gà, cúc vạn thọ, bởi đây là những loại hoa có quanh năm. Ngoài ra, mùa nào thức nấy, đĩa hoa cúng của người Hà Nội còn được thêm vào những loại hoa theo mùa. Nào là hoa bưởi, hoa nhài thơm ngan ngát xuân, thậm chí có cả hoa dâm bụt và hoa găng với chùm quả màu vàng. Mùa hè loài hoa phổ biến được chọn là hoa móng rồng thơm nồng, hoa huệ ta, lan tây, ngọc lan thơm mát, nhài, mẫu đơn và hoa ngâu, hoa sói vàng thơm dịu dàng. Mùa thu vẫn còn ngọc lan, lại có thêm cả hoàng lan với hương thơm đậm đà quý phái. Hoàng lan cũng là loại hoa được người Hà Thành ưa chuộng nhất bởi vẻ mềm mại, cánh lại thon dài được ví von giống như cánh tay Phật, và cũng được coi là loài hoa tài lộc. Nào là cúc bách nhật, là ngâu, là lý, nào là trứng gà,… Thời xưa còn có cả hồng lam và hồng quế, màu rất đẹp mà nở thơm vô cùng, nhưng không rõ vì sao, giống hoa này không còn nữa. Dù vào mùa nào thì “tiêu chuẩn” của của hoa gói đĩa cúng bao giờ cũng phải đảm bảo sắc hương - đa dạng chủng loại, phong phú màu sắc và ngát hương thơm.

Từng bông hoa được người bán tuyển chọn thật kỹ rồi dùng lá dong gói vuông như bánh chưng, buộc bằng lạt, vào ngày mùa thì buộc bằng rơm nếp và luôn phải được luồn thêm sợi lạt hoặc sợi rơm để treo. Người mua nâng niu gói hoa, tuyệt đối không để cùng với những thực phẩm khác, mà luôn cầm riêng, vừa như một cách thể hiện sự tôn kính với lễ vật dâng lên bàn thờ, vừa tránh làm dập nát gói hoa hay bị ám mùi từ món đồ khác. Trước khi dâng hoa lên ban, người ta thả vào chậu nước để làm sạch từng bông, mà theo đúng quy tắc cổ truyền là phải rửa bằng nước mưa trong. Sau đó hoa bày trên chiếc đĩa men lam trang nghiêm mà thanh tịnh. Thế mới biết người Hà Nội cầu kỳ đến nhường nào, từng hành động nhỏ thôi cũng thể hiện sự tinh tế vô cùng!

leftcenterrightdel
Hoa gói đĩa cúng phải đảm bảo hương và sắc.

Văn hóa thờ cúng tổ tiên đã có từ lâu đời và văn hóa ấy dường như càng “kỹ” hơn khi ở trên mảnh đất kinh kỳ. Theo thông lệ, vào ngày Giỗ, Tết, hay ngày Rằm, mồng Một hằng tháng, người Hà Nội lại sửa biện bàn thờ với các đĩa hoa cúng, oản, quả và hương. Mùi hương quyện cùng mùi hoa tạo nên một thứ hương thơm đặc trưng, xao xuyến khó tả, mùi hương của sự linh thiêng, của sự kết nối quá khứ với hiện tại.

Theo nét văn hóa ấy, trước đây Hà Nội có rất nhiều người bán hoa gói, họ thường ngồi trên các góc phố, hay những cổng chợ lớn và cả gánh đi bán rong. Họ đến từ làng hoa Ngọc Hà và cả những làng lân cận như Làng Mỗ, Làng La, Làng Cót, Làng Canh. Ấy thế nhưng, khi cuộc sống thay đổi, đất trồng hoa không còn nhiều như xưa, người mua hoa gói không còn mấy và người bán hoa gói cũng chẳng còn nữa, chỉ còn một bà cụ vẫn kiên trì với nỗ lực níu giữ nét văn hóa truyền thống, ngày ngày vẫn bán hoa đĩa trên phố Hàng Khoai, bất kể mưa hay nắng.

Hoa gói đĩa cúng vốn tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu với tổ tiên, với người đã khuất. Ấy thế nhưng, nét văn hóa đẹp đẽ ấy dường như chỉ còn len lỏi rất ít giữa cuộc sống đô thị hiện đại. Từng gói hoa như gói trọn cả một nét tinh hoa văn hóa riêng có của mảnh đất kinh kỳ và cũng như gói cả miền ký ức xa xôi của bao thế hệ đi trước! Làm sao để khôi phục được nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ ấy trong thời kỳ hội nhập này không phải là điều đơn giản!

Bài và ảnh: NHÃ UYÊN