Trải qua thời gian, trang phục cưới của người Hà Nội có nhiều thay đổi. Từ mớ ba mớ bẩy với những chiếc thắt lưng có tua ở hai đầu, người dân Hà Thành chuyển sang mặc áo dài với sự thay đổi về kiểu dáng qua từng thời kỳ. Những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, cô dâu mặc áo dài cài vạt màu hồng hoặc màu xanh, khoác áo the thâm hoặc áo dài lụa trắng cổ ô, khoác ngoài là áo dài sa tanh màu đen, mặc cùng quần lĩnh hoặc quần sa tanh đen. Chỉ vài năm sau, kiểu áo dài cưới thay đổi, các cô dâu Hà Nội mặc áo dài thụng, cánh tay dài và rộng, may bằng vải gấm, thường là màu đỏ, màu vàng, có họa tiết rồng phượng, hoặc gấm hoa, sa tanh, nhung đỏ mặc cùng quần trắng. Khi văn hóa phương Tây ngày càng có nhiều ảnh hưởng, trang phục cưới cũng thay đổi với nhiều tiết chế. Từ năm 1954, ở các thành phố lớn và đặc biệt là thủ đô Hà Nội, cô dâu chủ yếu mặc áo dài trắng, quần trắng, đi giày cao gót và phụ kiện không thể thiếu là bó hoa lay ơn màu trắng thể hiện sự tinh khiết, trong trắng của người thiếu nữ.

Có thể nói, ở những thời kỳ trước, áo dài cưới của các bà, các mẹ thường nổi bật bởi sự đơn giản, màu sắc, chất liệu và đặc biệt nhất là kỹ thuật may. Trong ngày trọng đại, cô dâu thường rất “bận rộn”, do vậy chiếc áo dài phải chú ý đến sự tiện lợi, làm sao để cô dâu có thể di chuyển dễ dàng cũng như thoải mái trong mọi hoạt động từ lễ gia tiên đến tiếp khách, ra mắt họ hàng hai bên,.. Chất liệu cũng vô cùng quan trọng, áo lụa mềm mại thanh tao, áo gấm cao sang quyền quý, áo sa tanh óng ả, kết hợp cùng đường kim mũi chỉ kỹ lưỡng mang đến cho cô dâu vẻ đẹp rạng ngời nhất trong ngày trọng đại, vừa tôn dáng lại vừa thể hiện nét kín đáo, thanh lịch, tinh tế vốn có của người con gái Tràng An.

leftcenterrightdel
Áo dài luôn được các cô gái Hà Thành lựa chọn trong ngày trọng đại nhất của mình. Ảnh: A designer Hanoi

Lịch sử áo dài truyền thống ghi nhận nhiều biến tấu “được lòng” phái đẹp. Chẳng hạn, áo dài Le Mur của nhà may Cát Tường ở phố Hàng Da, áo dài Lê Phổ, Raglan,.. Cho đến nay, các nhà thiết kế áo dài nói chung vẫn luôn không ngừng sáng tạo để làm đẹp thêm chiếc áo dài cưới cổ truyền, thổi hồn vào những chiếc áo dài để chúng không chỉ là một trang phục mà còn mang trong mình những câu chuyện, những thông điệp từ truyền thống. Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy chia sẻ: “Tôi rất thích những cô dâu mặc áo dài trắng trong ngày cưới của mình. Đó thật sự là một vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim của mỗi người. Thời gian này, tôi ngập tràn cảm xúc cho những thiết kế áo dài cưới của mình, những chiếc áo dài trắng đơn sắc, nhấn nhá bằng những bông hoa nhỏ xinh, được làm tỉ mỉ bởi tình yêu và tâm huyết”.

Đây có lẽ không phải tâm sự của riêng nhà thiết kế gốc Hà Thành này, mà rất nhiều nhà thiết kế khác cũng dành trọn tình yêu và tâm huyết với áo dài cưới. Họ tỉ mỉ, nâng niu từng vạt áo, cẩn thận từng chiếc khuy và tinh tế trong từng chi tiết trang trí. Chính họ là những người góp phần không nhỏ để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong văn hóa cưới hỏi nói riêng và văn hóa nói chung của mảnh đất kinh kỳ. Nhà thiết kế Quang Huy chia sẻ: “Tôi lúc nào cũng thích ngắm ảnh cưới của bố mẹ ngày trước. Tôi thấy mẹ mình rạng ngời và tỏa sáng như một thiên thần khi mặc áo dài trắng và ôm bó hóa cưới màu trắng. Tôi luôn nghĩ, nếu tất cả các cô dâu đều mặc như vậy thì tuyệt biết mấy. Đó thật sự là cái gì đó rất Hà Nội”.

Ông Phạm Đăng Ninh, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi không phải người quá cổ hủ nhưng kỳ thực tôi vẫn thích các cô dâu mặc áo dài, nhất là áo dài trắng. Mấy năm trước có nhiều bạn chọn áo dài nhưng lại biến tấu quá nhiều, mất hết chất của áo dài. Nhưng gần đây tôi gặp nhiều những cô dâu trẻ mặc áo dài cổ truyền trong ngày cưới, tới dự đám cưới mà tôi thấy như được sống lại những năm 70 – 75 của thế kỉ trước vậy”.

Bên cạnh muôn vàn kiểu dáng, mẫu mã và thể loại áo cưới hiện nay, chiếc áo dài trắng tinh khiết dường như vẫn luôn là một biểu tượng tuyệt vời đám cưới của người Hà Nội.

Bài: NHÃ UYÊN