Phóng viên (PV): Được biết, đầu năm mới 2020, chị đã cho ra mắt vào bộ sưu tập áo dài “Nhật Vượng Niên Hoa” lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ “đám cưới chuột”, phải chăng những chất liệu dân gian đã mang đến cho chị cảm xúc để có nhiều sáng tác mới?

leftcenterrightdel
Nhà thiết kế Vũ Lan Anh.

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Tôi là một người yêu vẻ đẹp hoài cổ, có niềm đam mê với giá trị truyền thống, vốn cổ của người Việt và mong muốn thêu dệt lên những tà áo dài truyền thống.

Những họa tiết truyền thống như trong các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng hay các sự tích, truyền thuyết... luôn có sức hút mãnh liệt với tôi, đặc biệt là sử dụng những họa tiết điêu khắc cổ của Việt Nam Thế kỷ 17, là thời kỳ của điêu khắc gỗ Việt Nam phát triển rực rỡ nhất.

Tôi tâm niệm rằng trong bối cảnh hội nhập, tiếp thu tinh hoa thế giới, văn hóa Việt vẫn phải được bảo tồn, phát triển và sẽ được thế giới biết đến, trong đó có lĩnh vực thời trang. Mặc dù, những vốn cổ Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị mai một do thăng trầm của lịch sử và thời gian nên không còn lưu giữ được vẹn nguyên. Đây cũng chính là những lý do mà tôi luôn đau đáu tìm kiếm và tôn vinh những giá trị cổ trên tà áo dài, ví dụ như vẻ đẹp loài hoa thuần Việt như: Thược dược, cúc, huệ, sen... và tôi hạn chế sử dụng hình ảnh hoa ngoại lai trên tà áo dài Việt.

Đối với tôi, mỗi áo dài là 1 tác phẩm, bản thân nó có những giá trị về thẩm mỹ, mỹ thuật, văn hóa nhất định cần được truyền tải, giúp cho người mặc đẹp hơn, hiểu hơn, tự hào hơn về tà áo dài và văn hóa Việt. Bên cạnh việc tôn vinh giá trị truyền thống, tôn vinh những tinh hoa của ngành nghề thủ công chạm khắc Việt Nam, còn quảng bá những vốn cổ cho các bạn trẻ trong nước và thế giới được hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ Tết Trung thu. Ảnh: PHẠM THẾ HÙNG.

PV: Chị vừa hoàn thiện bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ Tết Trung thu của người Hà Nội xưa dự kiến ra mắt khán giả vào dịp Trung thu sắp tới, vậy nét độc đáo của bộ sưu tập này là gì?

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Với bộ sưu tập này, các họa tiết truyền thống Việt Nam vẫn được sử dụng như các hình ảnh gốm, sứ, hoa lá, mây vần vũ… Điều đặc biệt là với bộ sưu tập lần này, tôi sử dụng cách thức cắt may áo dài hoàn toàn mới, triệt tiêu được hết những nhược điểm của cách thức cắt may cũ như bị xoắn tay, không ôm trọn được hết những đường cong trên cơ thể người phụ nữ.

Với cách thức mới, chiếc áo dài có thể tôn lên triệt để từng đường cong của cơ thể, ôm sát mà không gây cảm giác khó chịu hay có những đường nhăn áo như kiểu cũ.

PV: Cá chép, đèn lồng là hình ảnh chủ đạo trong bộ sưu tập áo dài lần này, cái khó khăn nhất khi khắc họa những chi tiết này là gì?

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Hình ảnh cá chép, đèn lồng, con rồng, con gà... đều có những vẻ đẹp riêng. Cái khó khăn mà tôi cảm nhận khi thực hiện bộ sưu tập đó là những hình ảnh này đã được các nhà thiết kế đưa lên trang phục, nên khi đưa những chi tiết này vào thì tôi phải tìm được cái nét riêng, hướng riêng để không bị cũ, bị trùng lặp với những nhà thiết kế khác. 

Hơn nữa, để đưa chi tiết cá chép, đèn lồng lên áo dài làm sao để vừa giữ được nét duyên của họa tiết trên áo, vừa tạo được nét truyền thống nhưng lại phải có nét phá cách của riêng mình và mang dấu ấn của Hà Nội, đó là điều mà tôi hướng đến.

PV: Tại sao chị lại chọn những hình ảnh Tết Trung thu để thực hiện bộ sưu tập áo dài lần này?

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Trung thu là Tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Tôi được biết, ở Việt Nam, nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, Tết Trung thu được tổ chức dưới thời nhà Lý tại Kinh thành Thăng Long. Đây là dịp mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, người dân ấm no.

Từ xa xưa, Tết Trung thu là dịp để cả nhà đoàn tụ bên mâm cỗ để ngắm trăng. Ông, bà, bố, mẹ kể cho con trẻ những câu chuyện dân gian về chị Hằng chú Cuội, về truyền thống đón Trung thu của dân tộc, là ngày mà lũ trẻ háo hức và mong chờ chẳng kém gì ngày Tết Nguyên đán. Tết Trung thu xưa đơn giản mà ý nghĩa.

Vì là người yêu vẻ đẹp hoài cổ, tôi muốn được tìm về những cảm xúc Tết Trung thu xưa, với sự hồi hộp háo hức của lũ trẻ chạy theo đám rước chờ được phá cỗ, với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc hình con cua, con cá chép, con gà... Vì vậy, bộ sưu tập lần này tôi sử dụng những chiếc đèn lồng đúng chất xưa, đèn lồng được làm từ những giấy bóng xanh đỏ đủ màu, với hình ảnh cá chép, gà, lợn… Sở dĩ tôi chọn hình ảnh của Tết Trung thu để khắc họa lên áo dài trước tiên là để tìm về cái cảm xúc của mình, sau là để nhắc nhớ mọi người về Trung thu của những ngày xưa cũ.

PV: Chị cảm nhận thế nào về Tết Trung thu của người Hà Nội xưa và nay?

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Tết Trung thu xưa là dịp để gia đình quây quần ấm cúng bên nhau, là dịp để trẻ con háo hức chờ đợi. Hồi xưa trẻ con chỉ chờ dịp Trung thu để được bố mẹ, ông bà làm cho những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân hết sức đơn giản từ giấy, bìa, tre, nứa. Mâm cỗ ngày xưa cũng hết sức đơn giản với các loại hoa quả, bánh trung thu cũng chỉ có bánh dẻo hay bánh nướng một hai vị, nhưng lại đậm tình người. Bởi không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu thật ý nghĩa khi mà cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau sắp cỗ, cùng làm những con gấu, con chó hết sức đáng yêu từ những tép bưởi… Tết Trung thu của người Hà Nội xưa còn có nhiều phong tục như thi nấu cỗ, thi múa sư tử...

Tất cả điều đó, hiện tại chỉ còn được lưu giữ ở những bức ảnh về Trung thu của Hà Nội xưa, hoặc có chăng vẫn có những người nghệ nhân đau đáu gìn giữ những nét truyền thống như nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn giữ cách thức làm đèn kéo quân truyền thống.

Cũng như vậy, tôi muốn gìn giữ, truyền cảm hứng để những nét văn hóa truyền thống đáng quý đó sẽ luôn được bảo tồn.

PV: Trong bộ sưu tập này, chị có dành những mẫu thiết kế áo dài cho trẻ em không?

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh: Trung thu là Tết thiếu nhi, vậy nên chắc chắn tôi sẽ có những mẫu thiết kế dành cho trẻ em, đó có thể là những mẫu thiết kế mang nét tinh nghịch của đúng lứa tuổi, hoặc những mẫu áo đôi mẹ và bé và những mẫu áo dành cho cả gia đình.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)