Vậy đền Ngọc Sơn (trước đây gọi là chùa Ngọc Sơn), cầu Thê Húc có gì đặc biệt mà bất cứ ai đến với Thủ đô cũng nao nức?
Trong một cuốn sách của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến-được mọi người ví như nhà “Hà Nội học” với những công trình, ấn phẩm nghiên cứu viết về Hà Nội dễ đọc, dễ hiểu đã viết nên cảm nghĩ riêng của mình: “Nếu Hồ Gươm làm cho Hà Nội duyên dáng và mềm mại hơn thì cầu Thê Húc lại chính là đồ trang sức quý giá của Hồ Gươm”. Quả thực bấy lâu nay, cây cầu Thê Húc màu sơn son như một dải lụa mềm mại vắt qua làn nước xanh đặc trưng của Hồ Gươm, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, bắt mắt, một trong những điểm nhấn kiến trúc đặc trưng của quần thể di tích Hồ Gươm.
    |
 |
Cầu Thê Húc-“đồ trang sức quý giá của hồ Gươm”. Ảnh: Huy Hoàng |
Năm 1865, dưới triều vua Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên là Thê Húc, nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại”. Cầu có 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Vinh Phúc cũng cho rằng sở dĩ cầu Thê Húc được gắn liền với màu sơn đỏ bởi lẽ, cầu Thê Húc hướng về phía Đông, hướng về phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí ấy. Với ý nghĩa đó nên xưa nay cây cầu mang màu đỏ-là màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến nay.
Cầu đã trải qua hai lần tái thiết kể từ khi hoàn tất. Lần thứ nhất là vào năm 1897 triều vua Thành Thái. Lần thứ hai là sau khi một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa năm Nhâm Thìn 1952 vì khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là ông Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn. Cầu giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang và dầm dọc của cầu Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, mặt và thành cầu thiết kế bằng gỗ.
Ngày nay, tâm niệm của Nguyễn Văn Siêu về cây cầu Thê Húc “giọt ánh sáng đậu lại” vẫn còn nguyên giá trị. Du khách phương xa như anh Nguyễn Quốc Khánh sống tại TP Hồ Chí Minh, có dịp về Hà Nội công tác, lần nào cũng muốn đến thăm cây cầu. Anh Khánh cho biết, rất thích thú khi bước lên những tấm ván gỗ cầu Thê Húc cong cong, đặt hai bàn tay lên lan can, phóng tầm mắt ngắm ngôi đền bà Kiệu cổ kính thật bình yên, dù dòng người ngược xuôi tấp nập. Cầu Thê Húc ban ngày nhộn nhịp người vào ra, sắc đỏ như rộn lên đón khách, nhưng tối đến trông thật trầm mặc, mềm mại dưới những ánh đèn đủ màu chiếu rọi in trên mặt nước xanh ngăn ngắt. Đó chính là nét duyên dáng của cây cầu làm xao xuyến người dân và du khách mỗi lần đến đây, để rồi đã đến Hà Nội, họ nhất định phải một lần đứng ngắm, thong dong sải bước trên cầu Thê Húc, để được tỏa rạng trong những tia nắng đẹp...
CHÂU XUYÊN