Cả hai triển lãm này hội tụ những gương mặt nghệ sĩ sáng giá của phong trào mỹ thuật cận đại trước 1945, tiếp cận dần đến cách mạng. Các cuộc nói chuyện của Bác đã giúp nhiều họa sĩ chuyển biến trong suy nghĩ và sáng tác. Đó cũng là những triển lãm cuối cùng rồi họ chia tay nhau giữa Hà Nội, nơi bắt đầu tiếng súng Toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946. Mỹ thuật kháng chiến giai đoạn sau ghi nhận sự dấn thân theo cách mạng của đông đảo văn nghệ sĩ Hà Nội nói chung, họa sĩ nói riêng…
Năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ và Đảng đã cho tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc và Đại hội Văn nghệ, tập hợp lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật kháng chiến, trong đó có Ban Mỹ thuật Trung ương. Những năm tiếp đó, tại Việt Bắc đã có cuộc tranh luận về vai trò của văn học nghệ thuật phục vụ kháng chiến với những ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, năm 1951, nhân dịp khai mạc Triển lãm hội họa tại Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Bác đã viết thư gửi các họa sĩ. Bức thư này có thể coi là kết luận chí lý, chí tình của Bác đối với những tranh luận trước đó. Bác viết: “Biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài được nhiều họa sĩ khai thác. (“Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” của Họa sĩ Văn Giáo)
Nội dung bức thư không chỉ dành riêng cho giới mỹ thuật mà còn cho thấy chức năng, nhiệm vụ, định hướng cho sự phát triển văn học nghệ thuật nói chung. Với lời lẽ bình dị, thân thiết và sâu sắc, Bác Hồ đã chỉ ra cho văn nghệ sĩ vai trò, vị trí và hướng đi của mình. Xác định văn học nghệ thuật cũng là mặt trận, văn nghệ sĩ cũng là những chiến sĩ, Bác chỉ rõ cho văn nghệ sĩ tìm ra sứ mệnh, “mặt trận” của mình. Trên mặt trận văn hóa nghệ thuật ấy, mỗi người nghệ sĩ bằng khả năng, sức lực của mình phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình”.
Chỉ vỏn vẹn có hơn 300 chữ, nhưng bức thư đã khái quát được cả nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng, sáng tác cho các họa sĩ nói riêng, các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Điều đặc biệt là ngay từ thời kỳ đó, Bác đã khẳng định “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Câu này thể hiện tầm nhìn xa của Bác, bởi, khi đất nước còn đang trong cảnh chiến tranh, Người đã đặt văn hóa nghệ thuật vào kinh tế và chính trị từ rất sớm như vậy. Nội dung và tinh thần bức thư của Bác mãi mãi là định hướng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam.
LAN DỊU (Ghi theo lời kể của Họa sĩ Trần Khánh Chương)