Khu vực này người dân vẫn quen gọi là “xóm núi” bởi bao bọc xung quanh là dãy núi Vệ Linh và rừng thông, rừng keo đặc dụng. Nhận thấy có phong cảnh đẹp, không gian trong lành, nhiều người có ý tưởng xây dựng khu vực này trở thành địa điểm du lịch sinh thái. Được chính quyền địa phương cho phép, khu du lịch bản Rõm hình thành với nhiều hoạt động khám phá trải nghiệm đa dạng. Cũng từ đó cảnh quan khuôn viên ở đây được thay đổi đáng kể. Anh Phạm Thanh Giang, Giám đốc khu du lịch bản Rõm cho hay: “Trước đây, các bức tường dọc tuyến đường vào bản Rõm để không, rêu bám ngả màu loang lổ trông mất thẩm mỹ. Nhằm tạo ra không gian sinh động giữa vùng đồi núi, chúng tôi đã vẽ những bức tranh dựa trên các câu chuyện trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam dọc bức tường gạch. Đó cũng là cách làm mới con đường dẫn vào ngõ xóm”.
    |
 |
Những bức tranh minh họa truyện cổ tích làm đẹp thêm đường làng ngõ xóm. |
Có nhiều nơi cũng vẽ tranh tường làm đẹp không gian nhưng nét độc đáo ở đây chính là việc chọn chủ đề thể hiện. Thông thường, tranh tường ở các khu công cộng là cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt thường ngày, còn ở đây là những hình ảnh trong truyện cổ tích. Anh Giang chia sẻ: “Nét khác biệt đó được lấy ý tưởng từ chính mảnh đất Sóc Sơn, nơi gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc bay về trời trên đỉnh núi Sóc. Không gian nơi đây bốn bề cây rừng lá biếc, núi đồi trập trùng, chùa chiền linh thiêng rất thơ mộng. Việc vẽ thêm các bức tranh giống trong truyện cổ tích sẽ tạo cho du khách khi đến tham quan cảm giác khác lạ như được trở về với miền cổ tích đậm sắc màu huyền thoại”. Vậy là từ ý tưởng đó, thêm một chút sáng tạo, những hình ảnh sống động lần lượt ra đời. Màu sơn nước tươi mới bắt mắt, độ bền cao được sử dụng làm chất liệu thể hiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, trên bức tường cũ bỗng hiện ra những câu chuyện bằng hình ảnh nối tiếp nhau như: Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Sự tích cây khế, Truyền thuyết Thánh Gióng...
Nhiều người đến đây đứng chăm chú ngắm nhìn những bức tranh vẽ sinh động rồi chụp ảnh lưu niệm. Còn các em nhỏ tỏ ra thích thú khi bắt gặp hình ảnh các nhân vật trong truyện cổ tích như: cô Tấm, hoàng tử, ông bụt, Thánh Gióng... Đi dọc con đường ngắm nhìn các nhân vật thân thuộc, em Phạm Minh Khôi (thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) hào hứng nói: “Những hình ảnh này rất giống trong tranh truyện cổ tích mà cháu từng đọc. Chỉ cần nhìn vào đây là cháu biết nhân vật ở trong truyện nào và có thể kể lại cho mọi người nghe”.
Với sự sáng tạo trong làm mới không gian, những bức tranh vẽ trên tường có tác dụng giáo dục tốt đối với trẻ em. Không những vậy, các hình ảnh sống động đẹp như tranh cổ tích góp phần chỉnh trang tô điểm cho đường làng ngõ xóm ngày càng đẹp hơn. Người dân rất phấn khởi, nhắc nhở nhau nâng cao ý thức trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường sống ở khu dân cư.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC