Xã Ba Vì địa hình chủ yếu là đồi núi, có rất ít đất nông nghiệp, vì thế gần 2.000 nhân khẩu người Dao sống trên địa bàn bao đời nay chủ yếu sống bằng nghề làm thuốc, bốc thuốc và chế biến thuốc Nam.
Vườn nhà nào cũng bạt ngàn cây thuốc nam. Đi trong làng, thoang thoảng mùi thơm từ cây thuốc, còn nếu vào một gia đình nào đang nấu cao lá thuốc, mùi thơm còn dễ chịu hơn.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, người nghiên cứu vùng đất Ba Vì từ hơn 20 năm nay, đi cùng đoàn với chúng tôi nhận xét: “Những giá trị văn hóa tinh thần, tập quán, phong tục của đồng bào Dao ở xã Ba Vì được người dân và chính quyền gìn giữ, phát huy quá tốt. Bà con ở đây làm giàu, làm kinh tế theo cách riêng của họ-nghề thuốc-là đủ ăn, đủ mặc, nhiều hộ còn xây được nhà cửa khang trang, sắm xe hơi”.
Lời Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh nói quả không sai, chúng tôi để ý quan sát thấy trong làng có khá nhiều xe ô tô bán tải.
|
|
Du khách tới xã Ba Vì rất thích tìm hiểu về các cây thuốc Nam. |
Nhớ lại chuyện cũ cách đây gần hai thập niên lên Ba Vì lập nghiệp, chị Oanh cho chúng tôi hay: “Khi đến xã Ba Vì mấy chục năm trước, tôi choáng ngợp vì thiên nhiên quá ưu đãi cho xã miền núi này. Đâu đâu cũng thấy cơ man những cây thuốc nam. Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã đánh giá xã Ba Vì nói riêng, Vườn Quốc gia Ba Vì nói chung có hệ thống các cây thuốc nam phong phú vào hàng bậc nhất thế giới”.
Lãnh đạo xã Ba Vì thấy chúng tôi đến để khảo sát về du lịch, tìm hiểu về nghề thuốc của địa phương thì phấn khởi lắm. Nhưng lạ là mấy gia đình lương y dù đã có thông báo trước có đoàn đến nhà chơi, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì người cần gặp đều đi vắng.
Thì ra bữa nay trong xã có một gia đình làm cỗ. Người Dao có tập tục trong làng xã nếu nhà nào có công có việc thì mọi người cùng xúm lại lo việc chung. Các anh ở Sở Du lịch Hà Nội bảo cánh phóng viên có hỏi chuyện thì tranh thủ mà hỏi. Đừng để sang đầu năm 2021 mới lên đây hỏi chuyện thì khó lắm. Vì Tết trên này kéo dài cả mấy tháng trời. Lãnh đạo xã cũng theo phong tục cả thôi.
Thấy ở dưới xuôi có một số địa điểm đề tắm lá người Dao, chúng tôi cứ nghĩ lên vùng đất này sẽ có cơ hội trải nghiệm nhưng lương y Triệu Thị Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đông y xã Ba Vì cho hay: “Xây được mấy phòng tắm lá người Dao tốn kém lắm”.
Đến nhà Chủ tịch Hội đông y xã Ba Vì, lương y Triệu Thị Thanh (ở thôn Hợp Sơn), chúng tôi thấy các phòng trong gia đình đều dùng để chứa thuốc Nam. Nhiều gia đình ở xã còn xây nhà kho để chứa thuốc.
Mấy năm trước, đại bộ phận người dân xã Ba Vì còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng chính nghề thuốc Nam đã giúp nhiều hộ đổi đời. Trò chuyện cùng người dân ở thôn Yên Sơn, thôn Hợp Sơn, cảm nhận của chúng tôi là đồng bào ở đây rất lành, chân chất, thật thà.
Chúng tôi khám phá, xã Ba Vì không chỉ có nghề làm thuốc Nam, mà nghề nuôi ong lấy mật cũng phát triển. Khi nếm thử thấy mật ong thuộc hàng hảo hạng nhưng bà con lại rất lười bán.
Chủ tịch xã Ba Vì Dương Trung Liên nhớ lại chuyện cũ: “Vừa rồi huyện Ba Vì có tổ chức hội chợ, người dân trong xã cũng có mấy hộ tham gia. Tôi đi kiểm tra thấy sức mua lớn lắm nhưng lại không thấy dân ở xã bày bán mật ong. Tôi phải cho người đi về nhà dân, lấy mấy trăm lít mật ong mang ra hội chợ, loáng cái là hết. Đồng bào ở đây lành lắm, các anh chị nên mua một ít mật ong về dùng thử, mọi người sẽ cảm nhận được cái ngon của mật ong nơi đây”.
Chẳng đợi tới khi có lời của lãnh đạo xã, mọi người trong đoàn đã mua chật cả một xe thuốc nam và mật ong rồi.
Rất thú vị khi sinh viên các trường y trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận Thủ đô thường xuyên về xã Ba Vì, trong những chuyến thực tập dài hạn. Tại đây, sinh viên thường ăn ở hàng tháng tại nhà các lương y để học nghề thuốc Nam.
|
Bài và ảnh: MINH MINH