Ông Nguyễn Đăng Trọng, Trưởng ban quản lý di tích kể rằng: Theo thần tích còn lưu giữ, vào thế kỷ thứ 8 khi đất nước ta đang bị nhà Đường đô hộ, ở quận Nam Xương có ông Phạm Huyên, hiệu Minh Dực, kết duyên cùng bà Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa - chị ruột của Phùng Hưng sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Phạm Thị Uyển, nổi tiếng xinh đẹp và giỏi tài thao lược.

Năm Quý Sửu (713), căm phẫn trước sự tàn bạo của giặc ngoại xâm, Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa. Mến phục tài năng của ông, Phùng Hạp Khanh (bố của Phùng Hưng) đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển cho ông.

Về nhà chồng, Phạm Thị Uyển - với tài năng văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận nên bà gác chuyện nhi nữ thường tình, cùng bàn việc cơ mật, chung vai gánh vác sự nghiệp. Khi giặc phương Bắc bị bại trận, non sông thu về một mối, Mai Thúc Loan lên ngôi vua lấy hiệu là Mai Hắc Đế và Phạm Thị Uyển trở thành hoàng hậu.

leftcenterrightdel
Đền Dục Anh.

Với dã tâm xâm lược, đô hộ, năm 722, nhà Đường sai Dương Tư Húc mang 10 vạn quân sang đánh. Hoàng hậu Phạm Thị Uyển lại cùng lang quân Mai Hắc Đế gánh vác chuyện binh đao. Tuy nhiên thế giặc mạnh như vũ bão khiến quan, quân vua Mai Hắc Đế lâm vào thế yếu. Trong một lần địch dùng thủy quân tiến công dọc theo dòng sông Tô Lịch, Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã xung phong dẫn một đạo thủy quân giao chiến với địch. Hỡi ôi! Dù quan quân mang trong lòng nhuệ khí ngất trời, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, đạo quân dưới sự chỉ huy của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt. Quyết giữ tấm lòng trung trinh với đất nước, bà đã gieo mình xuống sông tự vẫn, xác trôi đến địa phận trang Nhân Mục (nay là Hòa Mục, Cầu Giấy, Hà Nội). Cảm ân đức của bà, nhân dân lén vớt lên, chôn cất rồi lập miếu thờ phụng, tôn bà là Ả Đại Nương.

“Thác là thể phách, còn là tinh anh”, anh linh của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển luôn phù hộ nhân dân và đất nước. Tương truyền, bảy thế kỷ sau, khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa đánh giặc Minh. Một lần nghỉ tại miếu Dục Anh thì được mẫu báo mộng sẽ âm phù cho nghĩa quân giành thắng lợi. Như mộng báo, thế quân ngày càng mạnh đánh đâu thắng đó, ngày toàn thắng lên ngôi vua, đức vua Lê Lợi cảm ân đức của mẫu, sắc phong là Khiêm Sung Đại Vương.

Bà Nguyễn Thị Đang, thủ nhang đền Dục Anh cho biết: Từ ngôi miếu, cảm ơn đức của bà âm phù cho nhân dân được ấm no, mùa màng được tốt tươi, nhân dân đã hoan hỉ công đức xây dựng thành đền Dục Anh gồm: Tam quan - rộng 3 gian 2 dĩ, các cửa chỉ mở vào dịp lễ, tường hồi bít đốc, đầu hiên có tượng hai Hộ pháp đối diện. Phía sau là một phương đình nhỏ, xây kiểu chồng diêm. Tiếp đến là đại đền 5 gian nối liền với hậu cung thành hình "chữ Đinh". Cạnh tam quan có cổng phụ dẫn vào sân, bên tay trái là dãy nhà khách khá dài. Sau hậu cung có ao nhỏ với hòn non bộ, xa hơn là vườn cây và một cổng phụ khác. Đặc biệt hơn, bên trái là đền là miếu thờ hai nữ tướng của Hai Bà Trưng cũng hy sinh lẫm liệt trên dòng sông Tô Lịch khi đối đầu với cường địch.

Hơn ngàn năm qua, khói hương trong đền Dục Anh ngày ngày tỏa thơm ngát như tấm lòng con dân đất Việt luôn tri ân hướng về cội nguồn, cũng như  thành kính dâng lên anh linh bậc mẫu nghi thiên hạ luôn che chở cho con dân và đất nước. Sinh thời nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nói, dân tộc ta có tướng giỏi cầm quân và người phụ nữ là đáng để nói với thiên hạ, thì Hoàng hậu Phạm Thị Uyển là sự kết tinh của hai yếu tố đó, nhưng trên hết, bà là người vương hậu đầu tiên và duy nhất của dòng máu Lạc Hồng xông pha giữa trận tiền binh lửa, tạc vào dòng lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung 6 chữ vàng “Phụ nữ Việt Nam anh hùng”.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ