Phóng viên (PV): Diện mạo đô thị của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính như thế nào, thưa ông?

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trước khi mở rộng, Hà Nội là đô thị đơn trung tâm, đã có phát triển kinh tế nhưng tồn tại nhiều vấn đề. Về cấu trúc không gian rất chật hẹp, thiếu thuận lợi để phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Thiếu thốn hạ tầng, bố cục phân khu chức năng chưa hợp lý, mối liên kết với các tỉnh khu vực xung quanh, với vùng chưa bảo đảm. Áp lực của thành phố về giao thông, phân bố dân cư rồi các vấn đề như cấp nước, xử lý rác thải, thông tin... và năm 2001-2002, Hà Nội đã thấy cần phải mở rộng. Nhiều nghiên cứu, đề xuất các phương án mở rộng được đưa ra. Tuy nhiên, mở rộng đến đâu lại là cả vấn đề. Sau khi có ý kiến các địa phương, Trung ương, bộ, ngành và từ nội tại Hà Nội vì muốn phát triển nên đã có quyết định mở rộng địa giới như hiện nay. Quy hoạch này so với các chính sách trước là bước đột phá. Hà Nội trở thành đô thị có diện tích lớn nhất, dân số lớn thứ hai cả nước và là một trong 12 đô thị có lịch sử hàng nghìn năm, một trong các đô thị có cấu trúc đặc thù.

leftcenterrightdel
   Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm. 

Thành tựu nổi rõ nhất là Hà Nội đã phát triển đô thị mạnh hơn. Nếu năm 2008, Hà Nội chỉ có 6,4 triệu dân với diện tích đô thị hơn 20%. Sau 10 năm dân số đô thị là gần 8 triệu, đặc biệt tỷ trọng đô thị hóa của Hà Nội tăng rất lớn với nhiều vùng phát triển. Không chỉ về quy mô, 10 năm qua Hà Nội có bước tiến mới với nhiều đô thị chất lượng cao. Tuy còn những tồn tại, nhưng tổng thể diện mạo kiến trúc Hà Nội có đổi mới về chất lượng không gian quy hoạch, đồng bộ quy chế quản lý, nhiều khu đặc thù của Hà Nội được chú trọng và có định hướng phát triển. Hà Nội từng bước thực hiện đổi mới cấu trúc quy hoạch. Hà Nội là một chùm đô thị có đô thị trung tâm với đô thị lịch sử, phần mở rộng, phần phát triển và 5 đô thị vệ tinh, hơn 20 thị trấn đô thị sinh thái…

Ngoài ra, khi mở rộng, điều người ta lo ngại nhất là tỷ lệ ngoại thành lớn, liệu Hà Nội có đổi mới được khu vực ngoại thành này không? Nhưng hiện nay cho thấy, những huyện, xã ngoại thành Hà Nội đã phát triển với 76% trong 386 xã là xã nông thôn mới, 4 huyện nông thôn mới. Bài học năm 1978 chúng ta mở rộng Hà Nội nhưng đến năm 1991 phải thu hẹp lại chính là vì chưa quản lý được nông thôn ngoại thành. Vì thế, có thể nói việc xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái là thành tựu rất lớn. Đây là hậu thuẫn cho phát triển đô thị, tạo ra niềm tin về giải quyết vấn đề bền vững. Hơn nữa, văn hóa của Hà Nội cũng có những thành tựu nổi bật, tạo cảm nhận về một Hà Nội thanh lịch, có sức hút.

Những điều này là minh chứng về một đô thị đặc biệt và tạo cho Hà Nội một vị thế mới.

PV: Để trở thành một thành phố phát triển bền vững, Hà Nội cần thay đổi gì, thưa ông? 

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm: 10 năm qua Hà Nội không chỉ có cảnh quan tự nhiên mang đến từ kinh thành Thăng Long mà còn có cảnh quan xứ Đoài, tạo thuận lợi để Hà Nội có một cảnh quan thiên nhiên đẹp, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch. Chính nó tạo sức hút cho diện mạo thành phố. Hà Nội đã từng bước lựa chọn điểm riêng của mình để phát triển thành đô thị thông minh.

Để xem xét một đô thị bền vững là sinh thái, thân thiện thì hoạt động của con người là yếu tố quan trọng quyết định đến cảm nhận của mọi người đối với diện mạo đô thị. Vì vậy, văn hóa ứng xử của đô thị là yếu tố quan trọng. Hà Nội vốn có truyền thống văn hóa Tràng An, nay kết hợp văn hóa xứ Đoài nên văn hóa Hà Nội cần là tổng hòa của văn hóa. Hà Nội phải hiện đại nhưng phải mang nét truyền thống của mình, tránh yếu tố ngoại lai. Chính những nét văn hóa này tác động kết cấu hạ tầng, diện mạo kiến trúc, năng lực hiệu quả quản lý đô thị…

 Vừa qua, Hà Nội đã đề ra các bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hy vọng những quy tắc ứng xử này không chỉ dừng lại ở trên giấy mà đi vào thực tiễn nhiều hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HUY AN (thực hiện)