Trước đó đã có ý tưởng xây dựng nơi đây thành một tổ hợp “Panorama” về Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Năm 2019 đánh dấu mốc kỷ niệm cách đây 230 năm (vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789) vua Quang Trung chỉ huy trận Ngọc Hồi-Đống Đa vĩ đại, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh. Di tích gò Đống Đa với những giá trị đặc biệt, trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và quận Đống Đa rất quan tâm. Bên cạnh việc xếp hạng, di tích đã từng bước được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng khang trang với nhiều hạng mục công trình. Lễ hội tổ chức hàng năm được tổ chức với quy mô quốc gia, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước.

leftcenterrightdel
Màn sân khấu hóa ca ngợi chiến công hiển hách của vua Quang Trung và quân sĩ trong Lễ hội Đống Đa.

Trong cuộc Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với UBND quận Đống Đa tổ chức ngày 10-12 tại Hà Nội, ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng, di tích chưa phát huy được giá trị cũng như còn nhiều vấn đề bất cập. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tên Công viên Văn hóa gò Đống Đa nên trở về đúng tên gọi là Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa cho đúng với tên gọi trong các quyết định xếp hạng di tích và khẳng định giá trị của địa danh này. Hiện nay hoạt động của di tích và công viên khá đơn điệu, còn ít hoạt động đa dạng, hàng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục. PGS, TS Đặng Văn Bài cho rằng, ngày nay trên thế giới nhiều di tích lịch sử đã được đầu tư xây dựng các tổ hợp trưng bày “hiện thực ảo” bằng sự trợ giúp căn bản của kỹ thuật số. Nếu có sự sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng các tổ hợp kỹ thuật hiện đại như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng Trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao ở Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, trong đó tạo nên một tổ hợp “Panorama” về Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa hấp dẫn.

Việc phát huy Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch cũng được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm. PGS, TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết, UNESCO đã từng khuyến cáo bảo tồn di sản văn hóa mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng sẽ không bền vững. Di sản văn hóa không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế… Đặc biệt, cần nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng mới hoàn toàn nội dung trưng bày bổ sung cho di tích Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa với hai chủ đề chính là diễn biến và kết quả của Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; Quang Trung-Nguyễn Huệ với Hà Nội sau Đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Theo PGS, TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, để phát triển du lịch, di tích gò Đống Đa cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm cần có kế hoạch thường nhật tái hiện hoạt cảnh “Rồng lửa Thăng Long xung trận”, “Cuộc hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long” hay khơi dựng “Cuộc hôn nhân lịch sử giữa anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa”… Đây là bước đi và biện pháp thích hợp trong quá trình “bảo tồn động” di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Bài và ảnh: LAM THANH