“Đã 25 năm bán xôi ở nơi đây, khách quen mặt biết tên nhiều khi chẳng cần hỏi cứ nhìn qua dáng đi là biết sở thích của từng người để bán hàng”. Lời tâm sự của chị Công Thị Xuân ở tổ 2, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) đủ thấy chị gắn bó với nghề truyền thống quê hương cũng như góc bán hàng thân thuộc đến nhường nào.

Xôi là thứ quà sáng phổ thông có thể tìm thấy bất kể nơi đâu trên phố phường Hà Nội. Nhưng để chiều lòng thực khách thì phải kể đến xôi Phú Thượng. Chị Xuân vẫn tự hào nhắc lại câu ca truyền đời của làng mình: “Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”. Làng Gạ (tức Kẻ Gạ tên gốc là Phú Gia, nay thuộc phường Phú Thượng) nằm ở phía nam sông Hồng có nghề thổi xôi nức tiếng. Nhà chị Xuân có đến 4 đời nối nhau làm nghề thổi xôi bán hàng. Từ nhỏ chị đã quen với hình ảnh bà, mẹ đầu đội thúng xôi tất tả đi bán mỗi buổi sớm mai. Cả thời con gái gắn bó với gạo, đỗ, lạc, vừng, lá dong, củi lửa cho đến khi lập gia đình, chị đã chọn nghề truyền thống quê hương để mưu sinh. Chính sự kế thừa bí quyết làng nghề từ đời này qua đời khác đã làm nên thương hiệu xôi Phú Thượng. Những thúng xôi ngon ấy theo chân người len lỏi khắp phố phường, chiều lòng những thực khách sành ăn nhất đất Hà Thành.

leftcenterrightdel
Chị Công Thị Xuân gói xôi phục vụ khách hàng.

Theo chị Xuân, để có được thúng xôi ngon phải rất kỳ công, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng cả chõ xôi, hay làm ẩu thì mất khách ngay. Nghề thổi xôi cũng phải tỉ mẩn chăm chút như nuôi con mọn. Nguyên liệu đầu tiên quan trọng là gạo. Đó phải là thứ gạo nếp cái hạt to tròn. Ngoài ra còn rất nhiều thứ đi kèm như đỗ xanh, lạc nhân, ngô nếp, dừa nạo, vừng rang, ruốc thịt, lá dong... Những thứ đó chị Xuân cùng gia đình phải chuẩn bị từ chiều hôm trước tới tối mịt. Chợp mắt ngả lưng vài tiếng, đồng hồ reo 1 giờ sáng đã phải dậy bắc bếp thổi lửa đồ xôi. Ngoài việc chọn nguyên liệu chuẩn thì cách nấu cũng rất quan trọng. Bếp không đủ lửa hạt nếp kém hơi sẽ cứng, đun lâu quá thì xôi bị nát. Thế nên tất cả đều phải vừa vặn, đủ độ. Chõ đồ xôi lúc nào cũng phải nghi ngút khói hơi lên đều. Khi xôi chín tới được dỡ ra ủ trong chăn bông, giấy bảo ôn, phủ vỉ cói. Cách bảo quản như vậy vừa giữ được nhiệt mà xôi không bị hấp hơi.

Khi mẻ xôi cuối cùng được ấp ủ trong chiếc thúng cũng là lúc trời tảng sáng. Chị Xuân tất tả chạy xe hơn chục cây số đến nơi bán hàng. Cứ đều đặn hằng ngày trên con phố nhỏ Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), chị Xuân ngồi nép mình bên hè phố bán xôi phục vụ khách hàng. Từ 6 giờ sáng, khách mua tấp nập, chị luôn tay phục vụ, chỉ đôi tiếng là thúng xôi hết sạch. Nhiều thế hệ học sinh mua xôi sáng của chị Xuân đến khi trưởng thành có con vẫn tìm đến mua hàng. Chính sự gắn bó giữa người bán và khách mua đã tạo nên sự gắn kết vô hình để chị Xuân bền bỉ làm nghề truyền thống. Bất kể nắng mưa chị đều có mặt từ sớm, mỗi năm chỉ nghỉ mấy ngày Tết và dịp hội làng.

Từ nghề nấu xôi vất vả sớm khuya, ngày ngày chị Xuân gom góp những đồng tiền lẻ từ bán xôi để trang trải cuộc sống gia đình, tiết kiệm nuôi con ăn học. Nhờ bền bỉ gắn bó với nghề mà cuộc sống của gia đình chị cũng dần khấm khá hơn. Nghề nấu xôi hiện có điều kiện phát triển. Dù bán xôi ăn sáng hay phục vụ trong các bữa cỗ lớn, chị vẫn cẩn thận chu đáo chăm chút cho từng mẻ xôi để giữ gìn thương hiệu xôi Phú Thượng trong lòng thực khách.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC