Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của dòng tranh này.
    |
 |
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang thực hiện các công đoạn vẽ tranh. |
Phóng viên (PV): Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh dân gian Hàng Trống, ông chọn nghề này là do niềm đam mê hay vì muốn duy trì nghề truyền thống của gia đình?
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên: Tôi bắt đầu vẽ tranh từ năm 11 tuổi. Cha tôi là nghệ nhân Lê Đình Liệu hướng tôi theo nghề này từ nhỏ. Tuy nhiên, lúc đầu tôi không hào hứng tham gia, khi lớn lên tôi chọn một công việc khác, lúc nào rảnh thì tôi mới ngồi vẽ. Khi đó, bố tôi rất lo lắng sẽ không có người kế tục sự nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, sau đó vì niềm đam mê với dòng tranh này nên tôi vẫn đi theo con đường mà gia đình định hướng.
Mộc bản của dòng tranh này được coi là gia bảo của gia đình và hiện tôi vẫn đang giữ. Có nhiều bức tranh mộc bản tuổi đời hàng trăm năm, nhưng chúng tôi phải làm cho đẹp hơn bởi người chơi tranh bây giờ đòi hỏi tính mỹ thuật, thẩm mỹ cao hơn, phù hợp với xu thế hiện tại.
    |
 |
Các tác phẩm tranh dân gian của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được trưng bày theo hình thức nghệ thuật đa phương tiện tại Bảo tàng Hà Nội. |
PV: Để hoàn thiện một bức tranh, ông phải mất bao nhiêu thời gian?
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên: Để hoàn thiện một bức tranh, tôi phải làm tất cả các công đoạn từ in ván, mộc bản, tranh không có mộc bản phải can trì, từ đầu đến cuối, chứ không có công đoạn cơ giới. Mỗi lần ngồi vẽ, tôi vẽ khoảng 10 bức tranh, tất cả các tranh đều phải sử dụng bút lông để vẽ.
Có những bức tranh phải mất 10 ngày mới hoàn thiện, tuy nhiên cũng có bức chỉ làm trong một ngày, tùy theo chi tiết và các bước của mỗi bức tranh.
Trong đầu tôi lúc nào cũng phải có ý tưởng để vẽ hàng trăm bức tranh. Nếu có người đặt vẽ thì chỉ cần có kích thước, loại hình ra sao là hoàn thiện ngay được tác phẩm. Hơn nữa, vì có thời gian gần 40 năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật nên ý thức về tranh cũng cao hơn.
PV: Thời điểm này phải cạnh tranh với nhiều thể loại, ông có gặp khó khăn gì trong duy trì dòng tranh này?
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên: Việc duy trì và phát triển tranh dân gian Hàng Trống có khó khăn và thuận lợi. Có cái khó nhất hiện nay là những bản tranh cũ nằm hầu hết trong các bảo tàng trong nước và quốc tế hoặc các bảo tàng tư nhân. Tôi muốn khôi phục lại và làm lại các mộc bản ấy nhưng hiện tại gặp khó khăn là bởi để tìm được một người thợ khắc giỏi rất khó mà nếu có thợ khắc giỏi thì giá thành phục chế rất cao nên không thể đáp ứng được.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi làm hết sức để duy trì dòng tranh đặc trưng của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
PV: Trong điều kiện khí hậu ẩm như Hà Nội hiện nay thì việc chống mốc, hỏng được ông thực hiện như thế nào?
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên: Tranh dân gian Hàng Trống được làm trên giấy dó, bảo quản tranh lâu dài là tránh không để ướt và để tranh trong độ ẩm nhất định thì sẽ không hỏng. Loại tranh này còn dễ bảo quản và có độ bền hơn cả tranh lụa.
Hiện nay, người nước ngoài tìm mua loại tranh này cũng có nhưng lượng khách trong nước vẫn nhiều hơn. Điều này chứng tỏ, người dân Việt Nam đang trở lại với dòng tranh truyền thống.
Tôi còn sức khỏe thì tôi còn ngồi vẽ phục vụ những người yêu mến tranh dân gian Hàng Trống. Nhiều bạn trẻ quan tâm đến tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đều tìm đến nhà tôi ở phố Cửa Đông để xem và mua tranh.
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)