Đến nay, dự án đã hoàn thành phục vụ công chúng tham quan, thưởng lãm. Dự án được UBND thành phố Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện với sự hỗ trợ của quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) và Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN Habitat) nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc.

Với ý tưởng mang nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng hơn, kêu gọi sự tương tác của người xem với quá khứ, với lịch sử và văn hóa của người Hà Thành xưa, dự án là một bức tường ký ức, là câu chuyện về Hà Nội xưa được kể bằng những bức vẽ vô cùng độc đáo. Càng đặc biệt hơn khi chúng được sáng tác dưới vòm cầu cạn xây bằng đá dẫn lên cây cầu Long Biên lịch sử tại phố Phùng Hưng. Theo tài liệu lịch sử, phố Phùng Hưng xưa kia nằm trên thôn Tân Khai, là hào nước ngăn cách giữa Hoàng thành Thăng Long và khu Kẻ Chợ, tức phố cổ ngày nay.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các họa sĩ Hàn Quốc  đang hoàn thiện tác phẩm.

Dự án thực hiện trong suốt 7 tháng từ khâu nghiên cứu khảo sát, tìm ý tưởng cho đến thực hiện tác phẩm. Phía Việt Nam thực hiện 11 tác phẩm tương tác đa chất liệu với các hình thức thực hành nghệ thuật đương đại. Sử dụng nhiếp ảnh, phù điêu, đắp nổi nhằm đưa nghệ thuật đương đại ra phố. Mỗi bức tranh có thời gian hoàn thiện từ mười ngày đến một tháng. Các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc đã thể hiện tác phẩm của mình trên 19 vòm cầu, nhằm tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng mới cho người dân và du khách và cũng thông qua đó, nghệ sĩ được tương tác với chính lịch sử của khu phố cổ và ký ức của chính bức tường vòm Phùng Hưng. Sau khi hoàn thiện các tác phẩm sẽ trở thành những mảnh ghép ký ức kêu gọi sự tương tác của người xem, là cơ hội để nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng hơn.

Với vai trò là giám tuyển nghệ thuật phía các nghệ sĩ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, một người con của Hà Nội, từng có rất nhiều tác phẩm hội họa đương đại về Hà Nội xưa và nay, cùng nhiều cộng sự của mình đã dồn hết tâm huyết cho dự án này. Anh tâm sự: Trải qua nhiều khó khăn, trở ngại, dự án đã đi đến giai đoạn hoàn thiện và ra mắt vào đầu tháng hai cùng với chợ hoa Tết. Để hoàn thành những bức họa, họa sĩ đã có lúc phải bỏ tiền túi ra để thực hiện. Họ làm miệt mài và say mê với một tình yêu Hà Nội lớn lao, với mong muốn mang đến cho người dân sinh sống tại Thủ đô cũng như khách du lịch có một không gian văn hóa tươi mới, đầy tính tương tác.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Máy nước công cộng” của Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Tác phẩm “Máy nước công cộng” của Nguyễn Thế Sơn tại dự án này gợi cho người xem nhớ về thời kỳ bao cấp. Ngay trên chính con phố Phùng Hưng này cũng đã từng tồn tại một cái máy nước công cộng như bao nhiêu cái máy nước khác. Nó đã từng có một vị trí quan trọng sống còn đến toàn bộ sinh hoạt của những người dân khi mà nguồn nước phía trong những ngôi nhà ống đã không còn đủ để cung cấp cho một lượng dân số đông đảo đổ về Hà Nội những năm tập trung bao cấp. Nó như một nhân chứng, chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội, cũng như của chính bức tường Phùng Hưng trước thời kỳ nó bị bịt lại. Hà Nội ngày nay không còn tồn tại hình ảnh máy nước công cộng nữa. Tác phẩm gợi nhớ ký ức một thời của Hà Nội vào những năm tuy khó khăn, đói kém nhưng vỉa hè với tụ điểm là những cái máy nước, lại trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi trò chuyện của cả người lớn lẫn trẻ con. Sự tương tác giữa người với người thời kỳ đó chính là nguồn cảm hứng kêu gọi những con người của Hà Nội hiện đại ngày hôm nay cùng tương tác với một biểu tượng về “giá trị nguồn sống”, với lịch sử của bức tường này cũng như với chính lịch sử của Hà Nội một thời.

leftcenterrightdel
Tác giả Trần Hậu Yên Thế với tác phẩm “Nhà số 63 phố Phùng Hưng”.

Tác giả Trần Hậu Yên Thế với tác phẩm “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” lại đưa đến cho người xem một góc khác về Hà Nội xưa. Phố Phùng Hưng như là ranh giới giữa phố Tây và phố Hàng, tức khu phố cổ của dân Kẻ Chợ, Thăng Long. Sau rất nhiều biến động của lịch sử, những ngôi nhà Tây đã dần biến dạng và biến mất. Hiện trên phố còn vài ngôi nhà Tây còn sót lại. Tác phẩm muốn tái hiện lại những khung cửa ở ngôi nhà số 63 phố Phùng Hưng với các lớp thời gian. Sau gần một thế kỷ với biết bao đổi thay, liệu ngôi nhà này còn lại gì sau những thay hình đổi mặt ấy. Cánh cửa trong tranh hé mở cho công chúng cơ hội khám phá một góc khác của lịch sử đằng sau những cánh cửa ấy.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Kim vàng giọt lệ” của họa sĩ Dương Mạnh Quyết.

Xưa kia, Phùng Hưng là chợ xe máy đầu tiên của Hà Nội. Hơn 30 năm kể từ khi đất nước mở cửa, chợ xe máy đã nhiều lần thay đổi, nhưng hình ảnh về một chợ xe máy xưa đã ăn sâu vào ký ức của người Hà Nội cũng như những người dân sống quanh con phố này. Với tác phẩm sắp đặt tương tác “Kim vàng giọt lệ” của họa sĩ Dương Mạnh Quyết, người xem sẽ trải nghiệm cảm giác của một quá khứ, khi từng bước vật lộn mưu sinh, tích cóp để chinh phục được một chiếc cup Honda đáng mơ ước.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế tái hiện hình ảnh con phố Hàng Mã.
leftcenterrightdel
Bức phù điêu “Tuần lễ thời trang phố cổ” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam.

Hay hình ảnh con phố Hàng Mã, phố của tuổi thơ. Với hiện trạng biển báo như hiện nay, biển báo chỉ là biển báo, chính xác và lạnh lùng. Liệu có nhiều hơn tình người, chất hào hoa của người Hà Nội trong những con phố mang tên Hàng. Tấm biển phố của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế như là tín hiệu chỉ dẫn nẻo về ký ức. Phố Hàng Mã là con phố của Tết trung thu, của những trò chơi dân gian. Nhưng những món đồ chơi truyền thống đang ngày một vắng bóng. Bức tranh ẩn giấu niềm hy vọng về sự trở lại của những trò chơi dân gian.

Bức phù điêu “Tuần lễ thời trang phố cổ” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam được lấy cảm hứng từ “Múa Rồng”, một tác phẩm nối tiếng thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đặt trong không gian phố cũ, bức tranh càng thêm phần ý nghĩa bởi phố cổ Hà Nội chính là cái nôi sản sinh, phát triển và bảo tồn dòng tranh Hàng Trống. Làn sóng toàn cầu hóa du nhập vào Việt Nam cùng với guồng phát triển kinh tế mang theo những giá trị mới mẻ cùng những sản phẩm xa xỉ. Tác phẩm gửi gắm mong mỏi của họa sĩ trẻ về việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Với tình yêu Hà Nội lớn lao của các họa sĩ cùng với sự sáng tạo nhằm mang đến một diện mạo mới lạ, trẻ trung cho những vòm cầu Phùng Hưng, dự án thực sự trở thành điểm đến thú vị cho khách du lịch, đồng thời cũng là công trình kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY