Tiếp chúng tôi là các cụ bô lão trong làng Hạ Mỗ. Cứ theo chuyện các cụ kể thì chùa Hải Giác ra đời từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ là trung tâm của đất nước-kinh đô của nhà nước Vạn Xuân.

Chùa Hải Giác được xây dựng trên khu đất bằng phẳng ở rìa làng. Kiến trúc được bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông Nam-Tây Bắc. Phía trước là tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song. Cuối cùng là tòa đại đường. Bao quanh khu kiến trúc là giếng nước dựng lầu Quan Âm, vườn tháp, vườn cây xanh rộng lớn tạo không khí tĩnh mịch nơi cửa thiền, đem lại sự hài hòa giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo cho nhà chùa những vẻ đẹp độc đáo gần gũi với cuộc sống con người.

leftcenterrightdel
Hải Giác là ngôi chùa cổ lớn của huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.

Chúng tôi nhẹ chân bước vào nhà Tổ, nằm ở bên phải sân chùa gồm 5 gian, trong cùng đặt 10 pho tượng các sư tổ. Là ngôi chùa cổ có niên đại ra đời sớm và được hoàn thiện trong thời Lê nên phật điện của chùa Hải Giác khá đồ sộ, phong phú, đặc trưng cho một Tam bảo của chùa Lê điển hình. Các pho tượng tròn được phân bố đậm đặc trong khu chùa chính và ba dãy hành lang bao quanh. Chùa Hải Giác hiện nay còn lưu giữ được hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Nhà hậu đường trong cùng được dùng làm mặt động và dựng 25 tấm bia hậu để biểu dương những người công đức, trong đó có 5 bức tượng phù điêu của thời Lê.

Điều làm chúng tôi ấn tượng hơn cả là chùa có tới 50 bức tượng tròn cổ, không biết rõ có từ bao giờ nhưng theo các cụ bô lão trong làng thì đã có từ hàng trăm năm nay. Các bức tượng này về cơ bản vẫn giữ nguyên được màu sắc nguyên thủy.

leftcenterrightdel
Các bức tượng tròn cổ trong chùa Hải Giác.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, chùa Hải Giác còn có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, sư cụ Thanh Trang-trụ trì chùa Hải Giác đã trực tiếp tham gia lãnh đạo các cuộc nổi dậy của nghĩa quân trong vùng. Trong cuộc nổi dậy đánh thành Hà Nội đêm ngày 5 rạng sáng mồng 6 tháng 12 năm 1898, cụ là Hữu quân chánh tướng. Kế hoạch không thành vì bại lộ, sư cụ Thanh Trang cùng các tướng lĩnh khác bị thực dân Pháp truy bắt và tàn sát dã man. Dẫn đoàn chúng tôi ra phía sau vườn chùa, các cụ bô lão trong làng bảo: Cây duối cổ thụ này là nơi sư cụ Thanh Trang ngã xuống. Tưởng nhớ công lao của Hữu quân chánh tướng, người dân Hạ Mỗ dựng “bia căm thù” để ghi nhớ công ơn của sư cụ Trang Thanh với quê hương đất nước. Di hài của cụ được đặt trong “Trang Nghiêm bảo tháp”.

Chiêm bái các bức tượng ở chùa, lại được nghe kể chuyện về sư cụ Trang Thanh, chúng tôi lại càng có thêm cảm tình với ngôi chùa cổ này. Có điều, trải qua bao thăng trầm lịch sử, một số khu vực của chùa đã xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Phía nhà chùa rất mong muốn sớm được sửa chữa, xây mới. Hy vọng trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Đan Phượng cùng lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội sẽ có sự tư vấn kịp thời, khoa học để nhà chùa sớm được cải tạo lại những khu vực đã xuống cấp.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG