Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Hà… thì chùa Hưng Ký tuy ra đời muộn hơn nhưng lại có kiến trúc nghệ thuật gốm sứ vô cùng đặc biệt.
Nằm trong ngõ nhỏ, chùa Hưng Ký (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) được xây dựng vào cuối triều Nguyễn bởi một tín đồ của Phật giáo. Chùa có tên chữ là Vũ Hưng Tự và mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am.
    |
 |
Chùa Hưng Ký được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. |
Trên diện tích khoảng 3.000m2, chùa gồm nhiều hạng mục: Tam quan, tòa Phật điện, nhà Tổ, nhà bia, trai đường, bên cạnh còn có đình thờ Tam Thánh và ngôi đền Mai Sau. Điểm khác biệt là Thượng điện của chùa-nơi thờ Phật-khác hẳn với các ngôi chùa khác là thờ bộ ba Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là đức Quan Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nét nổi bật của chùa Hưng Ký là các công trình kiến trúc chính đều được trang hoàng bởi những bức cuốn bằng gốm sứ, hoa văn tạo tác tinh xảo, qua gần một thế kỷ vẫn bóng màu men. Cụ thể, tòa Tam Bảo với hệ thống các lớp gốm sứ nhiều màu sắc bao bọc. Ngoài ra, mái chùa được làm từ ngói ống cùng với các tượng sứ nhiều màu ghép lại trên các diềm mái, diễn tả các sự tích nhà Phật và sự vất vả tìm về chốn Tổ linh thiêng của các tín đồ. Bộ vì kèo trong chùa Hưng Ký được làm bằng granito giả đá kết hợp với các mảnh sứ ốp tường có nhiều màu sắc. Nhà bia là một phương đình được trang trí bốn mặt với các bức tượng nghê, sấu và các phù điêu tinh tế cũng bằng gốm sứ.
    |
 |
Hoa văn ở nhà bia chùa Hưng Ký về cảnh rước quan trạng xưa. |
Cõi Tây Phương cực lạc - điều này cũng lý giải cho việc cửa chùa mở về hướng tây. Ngoài ra còn có tám bức tranh và nhiều pho tượng nhỏ khác nói về các cảnh đời của Phật. Đúng như lời cư sĩ Nã Nam Mai đã viết trong bia soạn khi vãn cảnh nơi đây: “Bên Long Thành dựng ngôi chùa. Nào tiên nào Phật điểm tô muôn vàn. Việc thần đạo kể làm sao xiết. Phía Hà thành tỏ nét tài hoa. Danh lam đọ Bắc kỳ ta. Thực là bậc nhất thuyền gia lâu đài...”. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các vật liệu xây dựng hiện đại với phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc đã tạo nên chùa Hưng Ký có một không hai trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh, chùa Hưng Ký đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng bảo tồn năm 1992, xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996.
Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO