Nơi giao nhau giữa phố Lê Duẩn và Điện Biên Phủ (Hà Nội), số nhà 19 Điện Biên Phủ là một biệt thự Pháp cổ, mấy năm trước còn là trụ sở Đại sứ quán Đan Mạch, nay đại sứ quán chuyển đi nơi khác, ngôi nhà bỏ không, cổng đóng im lìm. Lần ngược lại lịch sử thì ngôi nhà này từng là trụ sở của Nhạc viện Pháp quốc Viễn Đông trong 3 năm (1927-1930). Nơi đây nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã theo học khóa đầu tiên, được học bài bản âm nhạc phương Tây.
    |
 |
Ngôi nhà 19 Điện Biên Phủ từng là trụ sở Nhạc viện Pháp quốc Viễn Đông - nơi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát theo học. |
Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày 11-2-1910 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thuộc lớp thanh niên mà người đương thời gọi là “ông Tây An Nam”, am hiểu văn hóa, tri thức cổ điển và hiện đại. Theo học âm nhạc phương Tây là quyết định táo bạo thời điểm đó vì số lượng khán giả thưởng thức âm nhạc cổ điển rất ít, thị trường âm nhạc chưa được mở rộng, khó đảm bảo cho nhạc sĩ có đời sống sung túc. Nhưng với nhiệt huyết thanh niên thời đại mới, Nguyễn Xuân Khoát đã chọn con đường trở thành một nhạc sĩ, nhạc công phương Tây, khác biệt so với truyền thống âm nhạc cổ điển Việt Nam là âm nhạc ngũ cung.
Cũng như phong trào thơ mới, phong trào tân nhạc ca ngợi cái tôi cá nhân, duy mỹ đầy lãng mạn, đặc trưng ấy ghi đậm trong những sáng tác của Nguyễn Xuân Khoát. Bài hát đầu tay của ông là “Bình minh” phổ thơ của Thế Lữ được in trên tờ báo Ngày Nay năm 1938. Năm 1942, ông tham gia nhóm Xuân Thu Nhã Tập và đã phổ nhạc một cách độc đáo bài thơ "Màu thời gian" của thi sĩ Đoàn Phú Tứ, một thành viên của nhóm.
Nguyễn Xuân Khoát cùng Thế Lữ tổ chức Đoàn kịch Anh Vũ, tham gia biểu diễn trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ông là thành viên chính trong ban nhạc của Quán Nghệ sĩ ở Hà Nội, là thành viên của Hội Khuyến nhạc tổ chức ở Hà Nội lúc bấy giờ. Trong thời kỳ đi kháng chiến, tài năng của Nguyễn Xuân Khoát được bộc lộ với nhiều bài hát nổi tiếng như: “Tiếng chuông nhà thờ”, “Uất hận”, “Hát mừng bộ đội chiến thắng”... Hòa bình lập lại tại miền Bắc, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) và giữ chức vụ này suốt 26 năm. Dù bận công tác quản lý hội nghề nghiệp, ông vẫn có những sáng tác chất lượng như: “Ta đã lớn”, “Hò kiến thiết”, “Lúa thu”, “Theo lời Bác gọi”…
Càng về sau, Nguyễn Xuân Khoát càng đưa nhiều âm hưởng dân ca, mang tính dân tộc vào âm nhạc; đồng thời có những nghiên cứu sâu sắc về gia tài âm nhạc của cha ông. Bởi lẽ, không chỉ phục vụ đa số quần chúng mà quan trọng âm nhạc phải làm nhiệm vụ gìn giữ bản sắc dân tộc, tạo ra nét riêng của âm nhạc Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát một lần nữa đi đầu hướng sáng tác này bằng loạt tác phẩm: “Con cò đi ăn đêm”, “Con voi”, “Thằng Bờm”, “Ông Gióng”, “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”, “Tiếng pháo giao thừa”…
Hai lần đi đầu trong âm nhạc Việt Nam cho nên nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát xứng đáng được hậu thế tôn vinh là “người anh cả của âm nhạc Việt Nam hiện đại”.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN