Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành năm nay 68 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã nghỉ ngơi nhưng ông vẫn hằng ngày say mê, tỉ mỉ bên từng sản phẩm của mình, ngọn lửa đam mê nghề chạm bạc dường như chưa bao giờ tắt trong ông. Bàn tay khéo léo của ông đã chế tác ra biết bao món đồ trang sức bằng bạc vô cùng tinh tế, làm đẹp thêm cho người sử dụng nó.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành vui vẻ kể chuyện nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành là người làng Đình Công, làng tổ nghề kim hoàn. Từ bé, ông đã được kế thừa nghề truyền thống chạm bạc của gia đình. Nhiều thế hệ trong gia đình ông đã sống ở phố Hàng Bạc hơn một thế kỷ và đã theo đuổi nghề chạm bạc đến ông là đời thứ tư. Hiện nay con trai ông lại kế thừa để trở thành thế hệ thứ năm trong gia đình theo nghề chạm bạc.

Trong cuộc sống thị trường sôi động ngày nay, khi mà mọi thứ đang chạy theo xu hướng cơ giới hóa, thì nghệ nhân Nguyễn Chí Thành vẫn say mê, trung thành với nghề chạm bạc thủ công. Nhìn những vật dụng mà ông tự chế mới thấy được sự tỉ mỉ, lòng yêu nghề của ông. Đó có thể là những thanh sắt cũ kỹ, vỏ lon bia, thậm chí là những lõi vỏ cây chát dùng trong ăn trầu.... Các cụ trên phố Hàng Bạc mỗi lần ăn trầu lại không quên để dành lõi vỏ chát mang đến cho ông làm công cụ chế tác. Niềm đam mê với chạm bạc đã theo ông ngay từ khi còn bé. Lớn lên trong những tiếng lách cách chạm bạc của cha, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành đã nuôi dưỡng tình yêu với nghề chạm bạc từ lúc nào không hay. Ông vừa đi học, vừa đi làm với quyết tâm và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống cho gia đình.

leftcenterrightdel
"Khu làm việc" của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành.

Khi cuộc sống người dân ngày càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp bằng trang sức cũng ngày càng nhiều hơn. Những dịp cưới hỏi, người ta thường muốn có chút quà cho con cháu, thế nên những sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành sẽ là lựa chọn rất tinh tế và hợp lý. Ông Thành chia sẻ: Nghề chạm bạc không mang lại cho người ta sự giàu sang phú quý, nhưng vì tình yêu với công việc chế tác ra những chiếc hoa tai, chiếc vòng, chiếc lắc, những món đồ trang sức bằng bạc mà ông vẫn luôn đau đáu với lửa nghề, mong cho con cháu đừng bao giờ thôi đam mê với nghề chạm bạc. Hơn nữa, ông nghĩ rằng, đây là nghề của ông cha đã để lại cho con cháu, nếu để mai một thì thật đáng tiếc, vì thế, dù còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn cố giữ lấy nghề. Hiện nay, con trai ông vẫn đang làm nghề, ngoài ra còn một người cháu cũng hằng ngày chăm chỉ, say sưa với từng nét chạm khắc tinh tế. Những sản phẩm do nghệ nhân Nguyễn Chí Thành làm ra luôn được bà con, khách hàng tín nhiệm.

leftcenterrightdel
Sản phẩm hoa tai  và nhẫn bằng bạc do nghệ nhân Nguyễn Chí Thành chế tác.

Để làm được một sản phẩm nhẫn bạc, người chế tác phải trải qua các công đoạn cơ bản như: Chia bạc ra để làm ổ, làm hoa, họa tiết, sau đó cuối cùng mới làm phần thân và ghép các chi tiết. Cái khó và cái giỏi của người thợ là phải biết ước lượng nguyên liệu chế tác sao cho hợp lý, tính toán làm sao để nguyên liệu của sản phẩm làm ra phải chuẩn và đủ.

Dọc con phố Hàng Bạc, rất nhiều cửa hàng bày bán những sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc. Nhưng phần lớn trong số đó đều được làm bằng máy móc, hay còn gọi là mỹ nghệ công nghiệp, thế nên đa số các mặt hàng tương đối giống nhau, không có gì đặc biệt. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Chí Thành vẫn theo đuổi chạm bạc hoàn toàn bằng thủ công, đó cũng là lý do khiến cho thương hiệu bạc của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành được nhiều người biết đến. Sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong những đường nét chạm khắc là điều thu hút khách bốn phương đến với cửa hàng của ông, trong đó có nhiều khách ngoại quốc. Khách đến đặt hàng thường có mẫu mã riêng, họ đưa ra ý tưởng hoặc đưa mẫu về sản phẩm cho ông để ông sáng tác sản phẩm cho họ. Khách đến từ các nước Châu Âu đặc biệt ưa chuộng những sản phẩm của ông. Chất lượng sản phẩm đã làm nên thương hiệu riêng cho nghệ nhân Nguyễn Chí Thành. Tên tuổi của ông được giới thiệu trong chỉ dẫn du lịch của Nhật. Những đầu mối du lịch của thủ đô thường hay chọn cửa hàng của ông làm địa chỉ đỏ cho những khách du lịch yêu chuộng sản phẩm chạm bạc thủ công đất Hà Thành. Nghệ nhân chạm bạc thời nay thì nhiều, nhưng họ chỉ chuyên về một công đoạn nào đó, để làm trọn các công đoạn cho ra một sản phẩm như ông Thành thì không phải ai cũng làm được.

leftcenterrightdel
 Cửa hàng mỹ nghệ Hồng Châu của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành nằm khiêm tốn tại số 83, phố Hàng Bạc.

Sống và làm nghề trên con phố Hàng Bạc lâu năm, ông Thành cũng được chứng kiến những đổi thay của của nghề đúc bạc trên con phố này. Phố Hàng Bạc trước năm 1990 là phố đổi tiền, không có thợ. Sau năm 1884, khi Hoàng Diệu thất thủ, Pháp vào Hà Nội và lúc đó phố Hàng Bạc trở thành phố đổi tiền. Việt Nam ngày ấy chưa có đồng tiền nào bằng bạc nên lấy bạc nén để đổi sang bạc giấy Đông Dương hoặc đổi bằng đồng tiền đầm xòe của Pháp để tiêu. Dần dần, con phố này trở thành phố đổi bạc. Thời Lê Mạc, Thượng thư Lưu Xuân Tín là người Châu Khê, được triều Lê cho mở một cái trạc đúc bạc, hay còn gọi là xưởng đúc bạc ở số nhà 58 phố Hàng Bạc. Lưu Xuân Tín là người Châu Khê. Sau này, ông đưa người Châu Khê đến đây làm nghề đúc bạc. Khi chế độ phong kiến kết thúc, những người giúp việc cho ông đã ở lại Hàng Bạc và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Phố Hàng Bạc lúc bấy giờ có thêm người Châu Khê, người Đình Công, người Đồng Xâm, Thái Bình chuyên nghề chạm bạc. Ông Thành cho biết, người làng Đình Công mới là những người sinh ra nghề kim hoàn nổi tiếng. Ông tổ nghề kim hoàn ở Việt Nam là hai anh em Trần Điền, Trần Hòa. Con phố Trần Điền ngay đầu làng Đình Công chính là con phố được lấy tên ông tổ nghề kim hoàn. Hiện làng Đình Công có đình riêng thờ hai anh em ông tổ nghề kim hoàn. Hằng năm, vào ngày giỗ tổ nghề 12-2 âm lịch, những người con từ bốn phương lại quy tụ về đây để tưởng nhớ ông tổ nghề. Và với người con làng Đình Công, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, thì việc tưởng nhớ ông tổ nghề không chỉ là dâng hương, dâng hoa, mà còn là những trăn trở làm sao để gìn giữ nghề chạm bạc thủ công cho con phố cổ Hàng Bạc. Mỗi khi được gọi là nghệ nhân ông thường cười hiền từ, khiêm tốn đáp lại rằng: “Nghệ nhân đối với tôi chính là ở chỗ sản phẩm của mình luôn được công nhận và có một vị trí trong lòng du khách. Và trở thành một nghệ nhân trong lòng du khách chính là điều mà tôi luôn hướng tới”.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY