Chúng tôi tìm về Nhà trưng bày sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã nằm ở số 178 Trấn Vũ (Tây Hồ, Hà Nội) của ông Nguyễn Văn Ứng, một trong những người hiếm hoi còn lại trong làng Ngũ Xã vẫn theo đuổi, tiếp nối nghề đúc đồng truyền thống của cha ông. Không chỉ có nhiều tượng đồng với những kỹ thuật tinh xảo, nơi đây còn rất nhiều khách du lịch quốc tế đến tìm hiểu về nghệ thuật đúc đồng và văn hóa cổ truyền của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Các tượng Phật, nhân vật lịch sử, đồ thờ... hiện nay được nhiều người quan tâm. 

Đón khách, ông Nguyễn Văn Ứng, vui vẻ kể: “Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi đem sản phẩm tham dự triển lãm nghề thủ công truyền thống. Chủ tịch thành phố Hà Nội khi ấy – ông Hoàng Văn Nghiên đã rất ngạc nhiên vì cứ ngỡ ‘làng đúc đồng Ngũ Xã mất rồi’. Ngay sau đó, tôi được thành phố cấp cho nhà trưng bày sản phẩm”. Trước đấy, dù không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, gia đình ông vẫn cố gắng duy trì nghề “cha truyền con nối”. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ứng cho biết, trong thời bao cấp, cả làng đúc đồng Ngũ Xã đã phải chuyển sang làm nghề nhôm, vì lúc ấy, “có làm đúc đồng cũng không bán được cho ai”. Cuộc sống khó khăn, đứng trước nguy cơ mất nghề, gia đình ông đã phải cố gắng lấy ngắn nuôi dài. Vẫn làm nhôm để kiếm sống, nhưng vẫn cố gắng đúc đồng. Cứ như thế, dần dà, dân làng đúc đồng Ngã Xã đã bỏ nghề, người chuyển sang làm nhôm, nhà chuyển sang làm ẩm thực. Chỉ có gia đình ông còn giữ được nghề.

leftcenterrightdel
 Bác Nguyễn Văn Ứng, một trong những người hiếm hoi còn sót lại trong làng đồng Ngũ Xã vẫn theo đuổi, tiếp nối nghề đúc đồng truyền thống của cha ông.

Hơn nữa, nghề đúc đồng rất gian nan vất vả. Để trở thành một người thợ đúc đồng, phải vững vàng cả 5-6 bộ môn: Vẽ, tạo hình, làm khuôn, đúc, chạm khắc, lấy màu… Giờ, có máy ảnh nên bỏ đi được một công đoạn. Trong các công đoạn đúc đồng, làm khuôn là lâu nhất, có khi mất từ 8 tháng đến 1 năm, còn đúc chỉ trong 4 tiếng. Đấy là 4 tiếng vô cùng quan trọng, thành bại đều nằm trong 4 tiếng ấy. Sản phẩm hỏng là mất hết cả vốn lẫn lãi. Đắt nhất là thiếc để pha vào đồng, lên tới 600.000/kg. Khuôn được làm bằng đất. Thời gian làm khuôn phải “chăm” cái khuôn như con vậy. Mưa, nắng là khuôn bị ẩm. Khi đúc, sản phẩm không mượt mà, coi như bỏ đi. Thường khi rót đồng vào khuôn, có tiếng sôi âm ỉ là thành công.

Mặc dù, theo quy ước xưa của nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống là không được truyền nghề cho người ngoài nhưng để phát triển nghề đúc đồng, ông Ứng cũng đã mở một xưởng dạy nghề. Nhưng, tìm người truyền nghề đúc đồng không dễ. Vài trăm học trò của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã bỏ ngang bởi “nghề này, khi mới nhập môn, lương thấp và rất vất vả, hơn nữa phải có mắt thẩm mỹ và năng khiếu”. Bây giờ, ông chỉ đào tạo học trò từng môn, người thợ không phải vững vàng tất cả các khâu liên quan đến đúc đồng nữa, mà chia thành từng tổ, mỗi tổ chỉ đảm nhận một khâu.

leftcenterrightdel
 Nghề đúc đồng rất gian nan vất vả. Để trở thành một người thợ đúc đồng, phải vững vàng cả 5-6 bộ môn.

Hiện, xưởng đúc đồng của gia đình ông đã có khoảng 20 nhân công. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, 10 năm gần đây, sản phẩm đúc đồng “đắt khách” trở lại, xưởng của ông rất nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu là các tượng Phật, tượng Bác Hồ và các nhân vật lịch sử, đồ thờ… Cũng có rất nhiều đơn hàng được khách nước ngoài quan tâm, nên xưởng của ông phải “chạy” hết công suất.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng luôn mong muốn và trăn trở nghề đúc đồng của Ngũ Xã sẽ được lưu giữ và tồn tại mãi mãi cùng những nét tinh hoa của đất Hà thành xưa. Tuy nhiên, con đường khôi phục lại nghề đúc đồng vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi “lớp trẻ giờ không ai muốn theo nghề này nữa”… Tâm nguyện lớn nhất của ông lúc này là có thể mở một trường dạy nghề ngay trong làng Ngũ Xã, để có thể khôi phục lại nghề đúc đồng truyền thống của cha ông.

Bài, ảnh: THÚY NGUYỄN