Cụ Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922, nguyên là giáo viên môn Lịch sử. Ở tuổi 96, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Nguyễn Bá Đạm có một trí nhớ minh mẫn đến ngạc nhiên. Những ký ức đã nghe, đã thấy từ khi lên bảy, lên tám tuổi về Hà Nội cụ vẫn ghi nhớ và kể lại tường tận. Trong cuộc trò chuyện với tôi, cụ Đạm dành nhiều tình cảm cho ngôi nhà-nơi cụ đang sinh sống an nhiên tuổi già. Ngôi nhà rộng khoảng 500m2 là nơi ghi dấu thời gian cùng những kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời. Cụ kể, trước đây, cụ đã cắt đất của gia đình tặng Trường Tiểu học Nhân Chính để xây trường, cất lớp. Vốn là giáo viên dạy Lịch sử nên thời gian đó, cụ Đạm đã truyền lửa tình yêu văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội cho các em học sinh qua việc liên tục mở các lớp dạy học ngoại khóa về lịch sử, văn hóa của Hà Nội.

leftcenterrightdel
Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm.

Bên cạnh việc dạy học, cụ Đạm còn đam mê sưu tầm đồ cổ, tiền cổ ngay từ nhỏ và được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Cụ gọi số cổ vật cụ đang có là sự “nhặt nhạnh” theo thời gian. Trong phòng khách của gia đình có bức bình phong cổ được bày trí trang trọng giữa phòng. Cụ Đạm có được bức bình phong này khá tình cờ nên cụ xem việc chơi đồ cổ như một cái duyên, cái may của mỗi người. Từ thú chơi đồ cổ, sưu tầm tiền cổ, cụ Đạm đã có không ít những nghĩa cử cao đẹp, ví như: Cho Ngân hàng Nhà nước mượn bộ sưu tầm tiền cổ trong hai tháng để triển lãm về tiền tệ; trao những kỷ vật liên quan tới nhà văn Vũ Trọng Phụng (thẻ nhà báo, sổ tay, giấy khai sinh...) tặng gia đình nhà văn nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng...

Không chỉ được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”, cụ Nguyễn Bá Đạm còn là người mẫu đặc biệt của danh họa Bùi Xuân Phái với 242 bức ký họa chân dung. Năm 1962, cụ Đạm và danh họa Bùi Xuân Phái quen nhau qua một người bạn. Sau đó, cụ thường sang chơi nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái. Mỗi lần đến, họa sĩ Bùi Xuân Phái lại vẽ ký họa chân dung cụ Đạm với đủ loại chất liệu, trong đó đặc biệt nhất là 12 bức vẽ trên vỏ bao diêm. Tuy nhiên, đến nay, số bức ký họa này cụ Đạm giữ lại không nhiều, phần vì cụ trao đổi để thỏa mãn thú chơi đồ cổ, phần vì cả nể tặng lại bạn bè hoặc ai ngỏ lời xin thì cho, có người được tặng tới 50 bức.

Suốt từ thời thanh niên cho tới tuổi “cổ lai hy”, cụ Đạm sống giữa lòng Hà Nội cổ nên “chất” người Hà Nội ngấm sâu trong con người cụ, thể hiện ở lối sống giản dị, thanh lịch và sâu sắc. Những chứng kiến, những kỷ niệm về Hà Nội thăng trầm được cụ chắt lọc thành nhiều bài báo. Vừa trò chuyện, cụ vừa cho tôi xem cuốn sổ cụ ghi lại hơn 120 bài báo cụ viết về Hà Nội hay thú chơi đồ cổ. Không dừng lại ở đó, những câu chuyện về Hà Nội còn được cụ ghi chép, viết thành sách: “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20”. Bằng lối kể dung dị, hồn hậu, mỗi cuốn sách như một bộ phim ký sự về Hà Nội với một tình cảm thân thiết, trìu mến.

Với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội, cụ Nguyễn Bá Đạm vừa được nhận “Giải thưởng Lớn” giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức.

Dù tuổi đã cao, nhưng hiện cụ Nguyễn Bá Đạm đang dồn hết tâm huyết để hoàn thiện bản thảo tập sách “Hà Nội xưa kia”, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay.

Bài và ảnh: UYÊN NHI