QĐND - Văn học Việt Nam hiện đại không thiếu những nhà văn chuyên tâm với đề tài Hà Nội nhưng nhắc đến nhà văn viết về Hà Nội ấn tượng nhất, nhiều người chắc chắn sẽ chọn các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987). Nguyễn Tuân-một người Hà Nội đã viết về nhiều câu chuyện đời người ở nhiều miền đất khác nhau; nhưng khi động bút viết về Hà Nội thì người đọc mới cảm nhận đầy đủ sự tài hoa, uyên bác và thanh lịch của nhà văn độc đáo; cũng như hồn cốt của Thủ đô ngàn năm văn hiến thể hiện trong văn học.

Nguyễn Tuân quê ở làng Nhân Mục (thường gọi là làng Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Năm 1929, Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung (tương đương với Trung học cơ sở hiện nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Sau đó, ít lâu ông lại bị tù vì “xê dịch” sang Thái Lan không có giấy phép. Ở tù ra, ông mới bắt đầu viết báo, viết văn một cách chuyên nghiệp.

Một góc trong căn nhà của nhà văn Nguyễn Tuân tại ngõ phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ảnh: nxbkimdong.com.vn

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, thử qua nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn trào phúng...; nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm truyện ngắn hoài cổ, tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như: “Vang bóng một thời”, “Tóc chị Hoài”, “Nguyễn”… Sau năm 1945, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới với những tác phẩm kinh điển như: “Tùy bút kháng chiến”, “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, “Ký”... Ông cũng từng được tín nhiệm giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957). Nhà nước ta đã tôn vinh ông với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I - năm 1996 và TP Hà Nội đã đặt tên đường Nguyễn Tuân nằm ở quận Thanh Xuân.

Trong các cuốn hồi ký, tự truyện của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Tuân hiện lên với đầy đủ cá tính của một nhà văn độc đáo cùng những giai thoại nhiều không kể xiết. Ông là người kỹ tính chứ không khó tính như chuyện ăn chẳng hạn thì ông không phải là người ham hố sơn hào hải vị, chỉ cần món ăn được nấu đúng cách là được. Nhưng tất nhiên, điều quan trọng nhất với một nhà văn để tên tuổi còn được hậu thế nhớ đến là để lại nhiều tác phẩm giá trị chứ không chỉ là những giai thoại ngoài lề hấp dẫn.

Chỉ riêng các tác phẩm viết về Hà Nội thật khó quên nếu ai đã trót đọc. Các thú chơi xưa của các nhà Nho như uống rượu, uống trà, thả thơ… được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả từ cái nhìn đầy hoài niệm hướng về quá khứ trong tập “Vang bóng một thời”. Rồi sau này, chỉ cần tùy bút “Phở” đã thâu tóm những gì cần biết và cả cách thưởng thức món phở. Hoặc vi mô hơn, chỉ cần hai chữ “Phố Phái” là cả một dòng tranh vẽ phố cổ Hà Nội đặc sắc của danh họa Bùi Xuân Phái được định danh.

Tình yêu Hà Nội, tự hào được sinh ra và sống ở Thủ đô ngàn năm văn hiến là động lực để ông viết khá nhiều về Hà Nội. Nhưng để thể hiện tình yêu mãnh liệt đó, Nguyễn Tuân thực sự là một bậc thầy ngôn từ mà rất lâu nữa mới có nhà văn khác sánh kịp. Chẳng hạn, ông dùng cụm từ “Hà Nội nội thành” về nghĩa tương đương cụm từ “nội thành Hà Nội” nhưng đọc cụm từ của Nguyễn Tuân ta thấy sự hội tụ tinh hoa đất kinh kỳ rất rõ ở trong một vùng địa lý chật hẹp.

Sách, báo viết về đời và văn Nguyễn Tuân kể cũng không ít nhưng để có thể viết sâu hơn, tìm ra những chiều kích khác của văn chương Nguyễn Tuân, nhất là những trang văn viết về Hà Nội, thiết nghĩ các nhà nghiên cứu còn rất nhiều việc phải làm.

HÀM ĐAN