Tác giả Nguyễn Văn Uẩn ngay từ khi tốt nghiệp Trường Bưởi đã có ý hướng nghiên cứu lịch sử. Trước năm 1945, ông đã viết nhiều cuốn sách đại cương lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, trong quãng thời gian hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục, ông đã biên soạn nhiều bộ sử giá trị như: “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (1960) do Trần Huy Liệu chủ biên, biên soạn giáo trình “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (1962) cho sinh viên đại học sư phạm... Tháng 7-1975, ông nghỉ hưu và bắt đầu chuyên tâm viết một công trình sử học tầm cỡ về Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20. Mục đích của ông là muốn “vẽ” lại một Hà Nội trong giai đoạn biến đổi từ một kinh đô phong kiến sang một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, cụ thể là từ thời vua Tự Đức cuối thế kỷ 19 trải qua thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng đến ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Ông phác một khung dàn bài, phân chia thời gian khai thác tài liệu tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Trung và nhất là gặp gỡ, ghi lại hồi ức của những cụ cao niên còn sống thời bấy giờ. Ông Nguyễn Văn Đức (con trai tác giả Nguyễn Văn Uẩn) nhớ lại: “Hồi đó, anh em chúng tôi có nhiệm vụ đi nhặt những tờ giấy trắng để cụ viết tác phẩm. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ đã kịp hoàn thành bản thảo bộ sách một cách tốt nhất có thể”.
Bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” vừa được tái bản lần thứ tư.
Năm 1985, ông hoàn thành bản thảo bộ sách nhưng việc in ấn trọn bộ chưa thực hiện được. 4 năm sau khi ông qua đời, NXB Hà Nội và Công ty Phát hành sách Hà Nội mới in trọn vẹn gần 3.000 trang của bộ sách. Bộ sách được UBND TP Hà Nội trao Giải thưởng Thăng Long năm 1996, đồng thời trở thành một công trình hiếm hoi có giá trị nghiên cứu Hà Nội trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
Đối tượng nghiên cứu trong công trình của tác giả Nguyễn Văn Uẩn gói gọn trong phạm vi địa lý Hà Nội trước khi mở rộng sau hòa bình lập lại. Trong cuốn sách, người ta có thể tìm thấy vô vàn thông tin liên quan đến Hà Nội xưa, từ các đường phố, Hồ Tây, Hồ Gươm, sông Hồng... cho đến khu phố cổ. Người đọc sẽ biết Công viên Thống Nhất trước năm 1954 chỉ là khu vực đầy lau sậy, mãi giữa thập niên 1960, thanh niên Hà Nội mới xây dựng công viên này.
Để có được những dữ liệu lịch sử đáng tin cậy là biết bao công phu tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng trong suốt 10 năm ròng rã của tác giả Nguyễn Văn Uẩn. Đọc bộ sách, độc giả không chỉ có được một lượng kiến thức lịch sử đáng kể về Hà Nội mà còn có thể thưởng thức ngôn ngữ giàu tính văn chương và học hỏi về cách trình bày khoa học một lượng tư liệu khổng lồ. Với những giá trị kể trên, Nguyễn Văn Uẩn xứng đáng được các học giả đánh giá là một trong những nhà Hà Nội học hàng đầu.
Bài và ảnh: HOÀNG HOÀNG