Theo nhà văn Trương Quý, anh yêu văn chương từ nhỏ và từng là học sinh giỏi chuyên văn Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ở giai đoạn mới lớn, anh lại thích hội họa và chọn thi vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tốt nghiệp đại học và từng có thời gian làm kỹ sư, nhưng khi bắt đầu sự nghiệp viết lách thì nhà văn Trương Quý cảm thấy rất thân quen. “Mỗi lĩnh vực đem đến cho tôi một phương tiện để tìm hiểu và diễn đạt về Hà Nội theo cách riêng của mình. Sở dĩ tôi theo văn chương bởi tôi thấy rằng kiến trúc thôi là chưa đủ để thỏa mãn niềm đam mê của mình”, nhà văn Trương Quý chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Khi sáng tác văn chương, nhà văn Trương Quý đã chọn Hà Nội. Bởi ngay từ nhỏ, anh đã quan tâm đến khung cảnh mình đang sống và rất chú ý đến những chi tiết của đô thị. Gần như hằng ngày anh đọc, tìm tòi một thứ gì đó liên quan đến Hà Nội. Lâu dần, kiến thức về Thủ đô của nhà văn Trương Quý đã bồi tụ thành một khối lượng lớn. Nói đến Hà Nội-mảnh đất ngàn năm văn hiến thì lâu nay đã có nhiều nhà văn, nhà thơ sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Là thế hệ đi sau nhưng nhà văn Trương Quý cho rằng, mỗi một thời lại có một cách tiếp cận chủ đề về Hà Nội khác nhau. Là nhà văn, nhà thơ thì phải phiêu, nhưng cái phiêu đấy cũng phải có chừng mực. Bởi vậy, mỗi khi cầm bút, nhà văn sinh năm 1977 này thường rất khắt khe với bản thân về câu chữ. Anh quan niệm câu từ mình viết ra phải mạch lạc, sắc, gọn và ít sáo. Cũng bởi có kinh nghiệm 11 năm từng làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Trẻ nên đã hình thành cho anh một ý thức, thói quen viết lách ngắn gọn, súc tích.

Đến nay, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã xuất bản 8 cuốn sách về Hà Nội, như: "Tự nhiên như người Hà Nội" (NXB Trẻ, 2004); "Ăn phở rất khó thấy ngon" (NXB Trẻ, 2008); "Hà Nội là Hà Nội" (NXB Trẻ, 2010); "Xe máy tiếu ngạo" (NXB Trẻ, 2011); "Còn ai hát về Hà Nội" (NXB Trẻ, 2013); "Dưới cột đèn rót một ấm trà" (NXB Trẻ, 2013); "Mỗi góc phố một người đang sống" (NXB Trẻ, 2015); "Một thời Hà Nội hát-Tim cũng không ngờ làm nên lời ca" (NXB Trẻ, 2018). Trong đó, cuốn “Một thời Hà Nội hát-Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” vinh dự nhận giải “Tác phẩm” thuộc Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12-2019. Theo tác giả, đây là cuốn sách đánh dấu sự trưởng thành trong nghề văn chương của anh. Bởi đó là thời điểm nhà văn Trương Quý vừa hoàn thành chương trình học thạc sĩ tại Trường Đại học Stirling (Scotland).

Mặc dù đã có một số tác phẩm khá nổi tiếng về Hà Nội nhưng khi nhắc đến dự định sáng tác văn chương sắp tới về Thủ đô, đôi mắt nhà văn Trương Quý bỗng sáng rực lên. Nhà văn Trương Quý cho biết: “Tôi dự kiến sẽ làm sách và công trình như: Du khảo về văn hóa ăn mặc của thị dân Hà Nội. Đặc biệt, tôi sẽ tập trung vào hành vi văn hóa thông qua những lối sống thường nhật của nam giới thành thị. Cùng với đó là du khảo về các hội nhóm tân nhạc và văn hóa Hà thành. Đây có thể xem như phần tiếp theo của “Một thời Hà Nội hát”. Ngoài ra, nhà văn Trương Quý tiết lộ, cuối tháng 8 này, anh sẽ ra mắt cuốn “Hà Nội bảo thế là thường” với những câu chuyện xoay quanh lời ăn tiếng nói của người Hà Nội xưa và nay.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG