Tất cả sẽ được hiện diện trong tập tản văn “Phố phở phố có nhà to” (NXB Trẻ, năm 2018) của nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến.

Trong văn giới, cái tên Phạm Ngọc Tiến hết sức quen thuộc bắt đầu từ thập niên 1990. Gần 30 năm cầm bút, nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến là tác giả những tác phẩm: “Họ đã trở thành đàn ông” (tập truyện ngắn, 1992), “Tàn đen đốm đỏ” (tiểu thuyết, 1994), “Đợi mắt trời” (truyện vừa, 1995)…; kịch bản phim truyền hình “Chuyện làng Nhô”, “Gió làng Kình”, “Đàn trời”... Ở tập tản văn đầu tiên “Phố phở phố có nhà to”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến tập trung viết về Hà Nội cũng dễ hiểu, bởi ông là người Hà Nội, gắn bó với Thủ đô đã hơn nửa đời người.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách “Phố phở phố có nhà to”.

Với tư cách là công dân chứng kiến lịch sử Hà Nội biến chuyển qua nhiều giai đoạn, từ một đô thị thời chiến, bao cấp, mở cửa rồi bùng nổ đô thị hóa hiện nay, tản văn của Phạm Ngọc Tiến là nhìn một “chuyện vặt” như chuyện ăn bánh cuốn, đặt trong các thời kỳ khác nhau để làm nổi lên đặc trưng của xã hội, văn hóa mỗi thời.

Khác với ngòi bút của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (tác giả “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”…) ưa khảo cứu Hà Nội xưa, hay nhà văn, nhà báo Nguyễn Trương Quý (tác giả “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”…) thích phân tích cảnh và người Hà Nội hôm nay, nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết tản văn theo khuynh hướng lấy cái tôi của mình để chiêm nghiệm, để mơ màng và lãng du trong không gian Hà Nội. Chỉ là chuyện mưa phố giao mùa nơi nào chẳng có, nhưng dưới ngòi bút của một người viết văn thuần túy, vẻ đẹp giao mùa Hà Nội đượm buồn, pha lẫn triết lý có thể ngâm nga nghĩ ngợi hiện lên rõ rệt: Giao mùa. Những cơn mưa chuyển giao mùa đông sang mùa xuân mới. Cuộc đời vẫn vậy. Phải có những khúc ngoặt đổi thay. Tóc xanh rồi đến bạc đầu. Quy luật. Những đô thị sẽ thay thế những cánh đồng. Nhưng dù thay đổi thế nào thì Hà Nội của tôi vẫn vậy. Những cơn mưa phùn cuối đông vẫn đến rắc mưa để bắt đầu một mùa xuân mới. Một mùa xuân Hà Nội phố thanh bình (“Mưa phố giao mùa”).

Những người chịu đọc, ít nhiều có tìm hiểu về Hà Nội sẽ cảm thấy thừa thãi với việc Phạm Ngọc Tiến viết ra những con số, sự kiện mà chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ có kết quả. Đơn giản, ông không phải người khảo cứu lịch sử Hà Nội. Người ta cũng không thích ông kể chuyện hiện tại vì ông không có sự sắc sảo của nhà báo để phân tích làm rõ vấn đề thời sự. Phạm Ngọc Tiến là nhà văn, thế nên nhiều người hẳn thú vị khi đọc những kỷ niệm thơ ấu pha lẫn cảm xúc hoài niệm như khi viết về cầu Long Biên vắt qua ba thế kỷ. Hoặc khi ông ngơ ngác giữa thời buổi đô thị hóa, giàu lên nhờ đất cát để rút ra những cái kết tương tự như truyện ngắn về chuyện người cháu khao ô tô mới vì mới bán đất trong tản văn “Phố mới về làng”.   

Qua cuốn tản văn này, bạn đọc lại có cơ hội khám phá chiêm nghiệm một góc khác của Hà Nội.

Bài và ảnh: MỘC LAN