Bởi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm của văn hóa thời Lý, đặc biệt có hai bảo vật quốc gia mới được Thủ tướng công nhận đợt 8 năm 2019.
Sở dĩ gọi là đền-chùa vì nơi đây vốn ban đầu là chùa được Nguyên phi Ỷ Lan (Linh Nhân Hoàng thái hậu) cho xây dựng để thờ Phật. Đến khi bà qua đời, nhân dân nhớ ơn nên xây dựng thêm đền thờ bà trong khuôn viên. Theo các tài liệu lịch sử, Nguyên phi Ỷ Lan (1044-1117) vốn họ Lê sinh ở thôn Thổ Lỗi sau này đổi là Siêu Loại, phủ Thiên Đức (xã Dương Xá ngày nay). Bà là phi tần vua Lý Thánh Tông, mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông, hai lần nhiếp chính có công lao to lớn cho sự hưng thịnh của vương triều nhà Lý. Dân gian tôn sùng gọi là bà Tấm-hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành. Và ngôi đền-chùa cũng được gọi với tên dân gian là đền-chùa Bà Tấm.
    |
 |
Bảo vật quốc gia tượng đôi sư tử thế kỷ 12. |
Kiến trúc hiện còn là kết quả của lần phục dựng vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. Điều đặc biệt là ngôi chùa còn nhiều hiện vật quý, tiêu biểu là hai bảo vật quốc gia vừa được công nhận là tượng đôi sư tử đá niên đại thế kỷ 12 và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng niên đại thế kỷ 16. Hai hiện vật nói trên đã đáp ứng ba tiêu chí quan trọng để được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, liên quan đến danh nhân… Tượng đôi sư tử vốn có công năng là bệ thờ, kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối. Nhìn vào đôi sư tử, các học giả đã có nhiều dữ liệu để đánh giá, chẳng hạn, trên trán có chạm chữ “Vương” khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều. Nhiều hình tượng nghệ thuật trên đầu sư tử tượng trưng cho ánh chớp, hào quang thể hiện sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ theo Phật giáo. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng được chạm trổ tinh xảo, giống như một góc cung điện thu nhỏ thể hiện thân phận cao quý của Nguyên phi Ỷ Lan. Trong khu di tích thời Lý như: Nhiều chân tảng đá mài, những mảnh gốm, thành bậc chim phượng, tượng sấu đá, giếng ngọc…
Từ xa xưa, người dân địa phương luôn tìm đến chùa Bà Tấm để mong Phật Tổ, Nguyên phi Ỷ Lan phù hộ cho cuộc sống bình an. Hội chùa Bà Tấm (từ ngày 19 đến 21-2 âm lịch) không chỉ người dân huyện Gia Lâm mà cả người dân huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), huyện Văn Lâm (Hưng Yên) và khách thập phương cùng tham dự.
Là di tích còn lưu lại nhiều hiện vật quý hiếm, lại nằm gần Quốc lộ 5 sầm uất, nay lại có hai bảo vật quốc gia được công nhận, hy vọng du khách gần xa sẽ đến với đền-chùa Bà Tấm nhiều hơn, để trở thành điểm du lịch nổi bật ngoại thành Hà Nội.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN