“Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Câu ca dao ấy chị Hương đọc lên như để giới thiệu một điều rất tự hào về quê hương mình. Nhắc đến nón là phải nhớ đến làng Chuông. Cái nghề tưởng nhàn hạ nhưng kỳ thực cũng lắm gian truân.

Để có được mảnh lá trắng đẹp, người thợ phải vò trong cát, phơi sấy, là lượt cẩn thận. Vành nón trau chuốt kỳ công để khi nối với nhau không bị cong vênh. Khâu nón cũng phải khéo léo sao cho mặt phẳng, đường kim mũi chỉ đều tăm tắp. Những chồng nón cứ thế lần lượt ra đời, rồi theo chân chị Hương đến từng phiên chợ quê phục vụ người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Tạ Thu Hương với những sản phẩm nón lá truyền thống. 

Ấy là câu chuyện của mấy chục năm trước. Cái ngày nón quê chỉ đơn giản là vật dụng che nắng, mưa, phục vụ người dân quê. Bây giờ thì khác, đời sống hiện đại, các loại mũ thời trang đang chiếm ưu thế. Đã nửa đời người gắn bó với nghề, chị Hương trăn trở làm thế nào để sáng tạo ra nhiều loại nón mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nghĩ là làm, chị đã sử dụng nhiều chất liệu để làm nón. Ví như sản phẩm nón lụa rất độc đáo. Hai lớp bên trong được làm bằng lá lụi và mo nang, còn lớp ngoài trang trí lụa Hà Đông.

Việc khâu nón lụa đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Bởi vì chất liệu lụa mềm khi khâu dễ bị co rúm lại. Ngoài ra, việc thể hiện ý tưởng, sử dụng hoa văn, phối màu sắc cũng được tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ cao. Để lụa không bị phai bạc khi sử dụng, chị Hương kỳ công tìm cách xử lý, bảo quản giúp chiếc nón bền đẹp.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết: “Sản phẩm nón thời trang ra đời đã nhận được sự quan tâm của các nhà thiết kế. Nón được sử dụng kết hợp với áo dài phục vụ trong các chương trình biểu diễn thời trang, nghệ thuật. Ngoài ra, nón lụa còn dùng làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam. Chiếc nón lá truyền thống chỉ vài chục nghìn nhưng khi làm mới giá trị từ 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc. Nhờ vậy thu nhập của người lao động cũng tăng thêm”.

Với nhiều sáng tạo, chị tiếp tục kết hợp nón với lá sen. Những chiếc lá sen được xử lý qua nhiều công đoạn nhằm giữ nguyên hình dáng, màu sắc. Nón lá sen không chỉ đẹp mà còn có hương thơm. Chị Hương chia sẻ: “Cả nón và sen là hai hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến Việt Nam. Vì vậy, tôi kết hợp hai yếu tố đó trên một sản phẩm nhằm quảng bá, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt. Dù có đổi mới sáng tạo nhưng tôi luôn coi trọng nền tảng giá trị truyền thống, có như vậy mới tạo được nét riêng trong sản phẩm của mình”.

Nón lụa, nón sen, nón Thái, nón phong cảnh... qua bàn tay sáng tạo của nghệ nhân Tạ Thu Hương như mang trong mình một sức sống mới. Từ ngôi làng Chuông, những chiếc nón có giá trị thẩm mỹ cao đã có mặt ở trong và ngoài nước. Hằng năm, cơ sở sản xuất của chị xuất khẩu sang các thị trường các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á khoảng 5.000 chiếc nón thời trang.

Với nhiều đơn hàng xuất khẩu, cơ sở sản xuất nón của chị cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng làm ra các sản phẩm nón nghệ thuật, chị mở lớp dạy nghề, với mong muốn tất cả cùng chung tay gìn giữ nghề truyền thống. Bằng tâm huyết của nghệ nhân Tạ Thu Hương, những chiếc nón làng Chuông không chỉ tôn thêm vẻ đẹp người con gái Việt mà còn trở thành sản phẩm văn hóa được bạn bè quốc tế yêu thích.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG