Xuân Canh nằm bên ngã ba sông Hồng và sông Ðuống. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Xuân Canh đã trở thành căn cứ hoạt động cách mạng nối liền nội thành với An toàn khu và căn cứ Việt Bắc. Cũng bởi vị trí đặc biệt này mà Quân đội ta đã quyết định đặt một trung đội pháo binh tại đây.
Theo văn bia tại Di tích lịch sử Pháo đài Xuân Canh, nơi đây, tối ngày 19-12-1946, sau phát súng báo hiệu của Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Canh đã cùng với Pháo đài Xuân Tảo-thủ khối đồng loạt bất ngờ nã những loạt đại bác vào các mục tiêu quan trọng của thực dân Pháp trong khu vực nội thành, yểm trợ cho quân dân Hà Nội tấn công tiêu diệt địch đáp lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi quân và dân Xuân Canh đã anh dũng chiến đấu bảo vệ an toàn pháo đài, lập nhiều chiến công.
    |
 |
Di tích lịch sử Pháo đài Xuân Canh trở thành điểm đến tìm hiểu lịch sử cách mạng của các bạn trẻ. |
Tại Di tích lịch sử Pháo đài Xuân Canh, tôi tình cờ gặp Nguyễn Hoài Nam, học sinh Lớp 10A5 Trường THPT Cổ Loa đang cùng bạn học của mình chăm chú ngắm nhìn khẩu pháo. Tôi lại bắt chuyện và hỏi em có biết về sự kiện lịch sử gắn liền với Pháo đài Xuân Canh không? Giọng tự hào, Hoài Nam vui vẻ cho biết: “Em rất thích học môn Lịch sử và cũng có đọc một số tài liệu về trận đánh ác liệt tại Xuân Canh. Sau sự kiện Pháo đài Xuân Canh nã đạn, giặc Pháp cho máy bay bắn phá trận địa dữ dội. Bộ đội và dân quân nơi đây kiên cường bám trụ trận địa. Không lâu sau, quân Pháp dùng tàu chiến đánh phá pháo đài, nhưng do chủ động từ trước nên quân ta đã đánh trả ác liệt, buộc chúng phải rút lui. Đúng đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21-1-1947), cán bộ, chiến sĩ pháo đài thực hiện lệnh rời khỏi Xuân Canh để bảo toàn lực lượng, lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến”.
Tự hào về truyền thống anh hùng, nhân dân Xuân Canh tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại pháo đài làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 2004, UBND xã Xuân Canh đã xây dựng nhà trưng bày khẩu pháo (phục chế) trên trận địa xưa. Ngày 10-8-2004, Pháo đài Xuân Canh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh cho biết: “Hằng năm, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Xuân Canh đều tổ chức các buổi giáo dục truyền thống tại Di tích lịch sử pháo đài Xuân Canh cho học sinh trong xã và một số xã lân cận. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh xã Xuân Canh nhận công việc giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc, dọn dẹp và trồng hoa cây cảnh xung cảnh quan di tích trong suốt thời gian qua. Với vị trí thuận tiện, có triền đê, sông nước tạo nên một khung cảnh đẹp, Di tích lịch sử Pháo đài Xuân Canh được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm du lịch trong tương lai không xa”.
Bài và ảnh: HOA LƯ