Nhận thức rõ khu phố cổ Hà Nội có giá trị đặc biệt trong lòng Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ không chỉ của toàn bộ hệ thống chính trị mà là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, ngày 8-10, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long-Hà Nội”.
Bảo tồn phải dung hòa giữa truyền thống và hiện đại
Khu phố cổ Hà Nội (36 phố phường) với bề dày lịch sử hơn 1000 năm tuổi, là quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng và sinh động. Đây là khu vực quan trọng bậc nhất góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho Thủ đô, cũng là nơi lưu giữ kho tàng các di sản quý báu của Thăng Long - Hà Nội cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại.
Trong số 121 di tích được thống kê của phố cổ Hà Nội có 25 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với đủ các loại hình: Đình, đền, chùa, hội quán, am, miếu…
Một trong những khó khăn thách thức lớn nhất của bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ.
Nằm ở vị trí “đất vàng” tại khu vực trung tâm thành phố nên sức ép, sự quá tải về hạ tầng của quá trình đô thị hóa nên khu phố cổ cao hơn bất cứ nơi nào. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với của khu phố cổ. Bên cạnh đó không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không được để ý, chăm sóc suốt vài thập niên qua.
    |
 |
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Hơn thế nữa khu Phố cổ Hà Nội cũng phải đối diện với các vấn đề khác của một đô thị lớn trong thời đại hiện nay như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự quá tải, xuống cấp của hạ tầng đô thị.
PGS, TS Lương Tú Quyên (Khoa Quy hoạch đô thị- Nông thôn, Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Quan điểm và cách tiếp cận của khoa học nghiên cứu về di sản đô thị ở Việt Nam đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cách tiếp cận đa chiều, liên ngành là xu hướng tất yếu của các nghiên cứu, Chính phủ điện tử, quản trị thông minh, minh bạch và có sự tham gia đông đảo của cộng đồng là xu hướng của quản lý khai thác vận hành đô thị cũng đòi hỏi Ban quản lý phố cổ Hà Nội phải chuyển đổi phương thức làm việc, có các cơ chế phối hợp hành động hiệu quả.
TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm (Hội quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội) cho rằng: Trong những năm qua, công tác quản lý đã đạt những kết quả nhất định, song trước yêu cầu của giai đoạn tới rất cần phát huy cơ cấu tổ chức vốn có với nâng tầm năng lực để phát huy hiệu lực. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hợp tác quốc tế, tổ chức xã hội, vận động nhân dân để phát huy nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ 3D để phát huy giá trị của di sản
Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội cần ứng dụng các thế mạnh của công nghệ, PGS,TS Phạm Hùng Cường (Đại học Xây Dựng) đề xuất: Phải khảo sát và lưu trữ dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, đặc biệt là với những công trình khó có khả năng giới thiệu cho khách du lịch và đang có khả năng hỏng hóc khó khôi phục. Đây là việc làm cấp thiết, bởi trong khoảng 1000 ngôi nhà tại phố cổ mong muốn giữ, với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ tôn tạo; phát huy thế mạnh của công nghệ để giới thiệu được các giá trị di sản phi vật thể của phố cổ Hà Nội. Đây là vấn đề khó nhưng rất có ý nghĩa, bởi giá trị văn hóa của phố cổ không chỉ ở kiến trúc. Phố cổ Hà Nội là di sản “sống” mang đậm dấu ấn văn hóa cư trú của thị dân qua các giai đoạn phong kiến và thuộc địa. Công trình kiến trúc có thể lưu giữ qua thời gian nhưng những giá trị phi vật thể thì dễ dàng mất đi theo thời gian do cuộc sống thay đổi. Những lối sống buôn bán phường hội, các phố hàng đặc trưng, phong cách thanh lịch, ẩm thực phố cổ, các tập quán xưa vốn song hành cùng kiến trúc cổ đã mai một đi nhanh hơn cả di sản kiến trúc. Vì vậy, rất cần công nghệ để bù đắp phần khiếm khuyết này…
Theo PGS,TS Phạm Hùng Cường, việc số hóa dữ liệu di sản không chỉ ở phần kiến trúc vật thể mà còn phải tích hợp các dữ liệu văn hóa khác. Chẳng hạn như với một ngôi nhà cổ, khi tra thông tin sẽ được giới thiệu về lịch sử ngôi nhà, của chủ nhà, các thế hệ, đồ đạc, nội thất hay các diễn biến lịch sử của ngôi nhà. Có như vậy mới hấp dẫn khách đến tham quan.
    |
 |
Phố cổ Hà Nội trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô. |
Theo PGS, TS Đỗ Thị Hảo (Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội), để giữ gìn và phát huy một cách cơ bản, bền vững di sản văn hóa phố cổ (đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể), Ban quản lý phố cổ Hà Nội cần triển khai kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tại khu phố cổ như thần tích, sắc phong, văn bia trong đình chùa, nhà thờ tổ, hương ước…tiến hành dịch thuật và công bố rộng rãi để phục vụ cho mọi người nhất là đối với khách du lịch. Trong khu phố cổ xưa kia tập trung nhiều cơ sở giải trí như rạp Sán nhiên đài, Quảng Lạc, Cải lương hý viện, cơ sở ả đào đầu tiên của Hà Nội ở phố Hàng Giấy (sau mới chuyển về Khâm Thiên), đình Giáo phường. thôn Tân Khai phố Hàng Cót…Hiện nay hầu hết đã biến thành nhà dân không còn dấu tích gì của ngày xưa nữa. Nên chăng gắn biển để đánh dấu để lưu lại một thời vàng son của nghệ thuật dân gian thủ đô.
PGS, TS Lương Tú Quyên (Khoa Quy hoạch đô thị-Nông thôn) Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội phải đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Song song với các hoạt động xây dựng các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện bảo tồn di sản đô thị, phát triển kinh tế du lịch…cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo và tuyên truyền, gắn kết hợp tác trong và ngoài nước để tìm ra hướng đi đúng đắn nhất cho khu phố cổ Hà Nội.
Tất cả các nghiên cứu trước đây đều khẳng định rằng các giá trị của khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...Vì vậy, cần phải có chính sách phát triển, bảo tồn hợp lý và sự đồng thuận của các cấp các ngành trong việc triển khai các dự án.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN