Tồn tại từ khi chưa có bãi bồi Phúc Xá, khi sông Hồng chảy sát chân con đê Yên Phụ, Hàng Than là nơi hàng đoàn thuyền buồm nâu đỗ san sát, rồi các phu khuân vác đổ lên bờ những sọt than hoa đen đốt ở trên rừng miền ngược, loại than có nhiều vết cưa ngang cây còn rõ nét các vân gỗ và kẽ nứt như hình mạng nhện. Khi xưa trên phố cũng có một số nhà bán than hoa, than tàu nên được gọi tên là phố Hàng Than. Vào thời kỳ Pháp thuộc, phố được đặt tên là “Rue du Charbon”, mà dịch ra tiếng Việt cũng có nghĩa là “phố Hàng Than”.
Trải dài từ đường Yên Phụ đến bùng binh Hàng Đậu – Quán Thánh, phố Hàng Than là vết tích một con đê cổ của Nhị Hà, mà theo tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong tác phẩm “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” thì nó có thể là con đê cổ nhất Việt Nam. Thời Pháp thuộc thì đầu phố là đi từ trên đê sông Hồng xuống. Con đê lúc đó rất thấp và đầu phía đó của phố Hàng Than cũng là một bến sông. Phố này trong một thời gian dài chỉ là một phố nhỏ ngoại ô với nhà cửa bé nhỏ cũ kỹ và có nhiều đình chùa.
|
|
Phố Hàng Than niềm tự hào của người dân trên phố ấy bởi lịch sử, bởi hùng khí đất kinh kỳ. |
Trên phố Hàng Than có ba công trình tâm linh cùng thờ Uy Linh Lang, tương truyền là con trai của vua Lý Thánh Tông, có công dẹp giặc Tống, chống giặc Nguyên. Công trạng của Ngài được ghi chép khác nhau trong các nguồn tài liệu khác nhau. Các công trình đó là đình Thạch Khối thượng, đình Thạch Khối hạ và đền Giai Cảnh.
Ngoài ra, giữa phố có ngôi đền Tứ Vị, là nơi thờ vọng Tứ vị Hồng nương, tương truyền sau khi trẫm mình ngoài biển thường hiển linh cứu giúp dân chài. Cùng với đó, giữa phố hiện vẫn còn hai di tích của thôn Yên Thuận xưa, đó là đền Yên Thuận Thượng ở số nhà 25 Hàng Than và đền Yên Thuận Hạ ở số nhà 39. Ở góc phố Phan Huy Ích giáp phố Quán Thánh còn có đền Yên Thành thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng.
Nếu như Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất nhiều chùa chiền thì trên một con phố linh thiêng như Hàng Than lại càng không thể thiếu vắng một ngôi chùa. Tọa lạc tại số 19 Hàng Than, ngôi chùa Hòe Nhai là một di tích cực kỳ quan trọng không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà còn trong lịch sử dân tộc. Chùa Hòe Nhai còn có tên là chùa Hòa Giai, hay tên chữ Hán là Hồng Phúc Tự, di tích nổi tiếng nhất của phố Hàng Than. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý theo cấu trúc chùa chữ Công với 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian, nhà tổ 7 gian. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Ngôi chùa cổ với diện tích khoảng 3.000m2 đã trải qua nhiều lần trùng tu, song, vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, đặc biệt là các tấm bia có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lịch sử. Hiện nay, chùa Hòe Nhai còn 28 tấm bia, mà cổ nhất là tấm bia dựng năm Chính Hòa 24 (tức năm 1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn nội dung, ghi rõ vị trí chùa thuộc phường Hòe Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Nhờ đó chúng ta mới xác định được phố Hàng Than xưa kia là Đông Bộ Đầu. Đồng thời, tấm bia này cũng giúp giới sử học ngày nay khẳng định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, chính là ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Theo sử cũ chép lại, Đông Bộ Đầu hai lần ghi dấu ấn thất bại của đội quân hung tàn Mông Cổ trước Đại Việt nhỏ bé. Lần thứ nhất vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 (29-1-1258), Trần Thái Tông cùng Thái tử thống suất lâu thuyền, tiến quân lên Đông Bộ Đầu, tổ chức phản công, đại phá quân Mông Cổ, thu phục lại Thăng Long và kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc. Lần thứ hai, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Q.5,45: “Ngày 6 tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ 7 (11-2-1285), Ô Mã Nhi và giặc Nguyên đánh Vạn Kiếp, Phả Lại; ngày 12 (17-2-1258) giặc đánh Vũ Ninh (Võ Giàng), Đông Ngàn (Từ Sơn), Gia Lâm, đến Đông Bộ Đầu, dựng lá cờ lớn”.
Đến thế kỷ thứ 15, Đông Bộ Đầu lại một lần nữa ghi dấu ấn trong chiến thắng chống quân Minh của Lê lợi. Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Q.10, 23b có ghi: “Lê Lợi thống suất đại quân từ Thanh Hoá tiến gấp ra Bắc, tổ chức vây hãm thành Đông Quan. Tháng 11 năm 1426, Lê Lợi trú quân ở Lung Giang (vùng sông Đáy). Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị “theo Đại Lung Giang ra cửa sông Hát, thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu của sông Lô, tấn công vào mặt Đông thành Đông Quan, trong khi “Đinh Lễ đánh vào vùng cầu Tây Dương (Cầu Giấy) ở mặt Tây và Lê Lợi chỉ huy đạo quân chủ lực tiến lên cửa Nam Đại La thành, đánh vào mặt Nam”.
Không thể phủ nhận, Đông Bộ Đầu là một cửa ngõ quan trọng ở ngay phía Đông thành Đông Quan, tức kinh thành Thăng Long cũ. Bất cứ cuộc vận chuyển, tiến chiếm nào bằng đường thủy vào kinh thành Thăng Long đều phải qua cửa ngõ Đông Bộ Đầu. Và cũng theo một số chuyên gia phong thủy, Hàng Than là con phố được mệnh danh “trên bến dưới thuyền”.
Có lẽ, nếu là một người con Hà Thành, hoặc là một người sống lâu năm trên đất kinh kỳ, ngoài những địa danh tâm linh nổi tiếng, khi nghĩ đến phố Hàng Than, bạn sẽ không thể nào không nghĩ tới “Bốt Hàng Đậu”. Đó là một tháp nước lớn được người Pháp xây bằng đá vào cuối thế kỉ 19, giữa bùng binh ngã sáu Hàng Đậu - Hàng Giấy - Hàng Cót - Quán Thánh - Phan Đình Phùng. Theo lời kể của những người đi trước, dưới tháp nước ấy từng là nơi chứa thuốc súng.
Hà Nội đang khoảng trời Thu tuyệt đẹp, nếu được ngồi trên phố Hàng Than thưởng thức món caramen nổi tiếng và lắng nghe những câu chuyện hào hùng về phố khi xưa hay lặng mình cảm nhận không khí linh thiêng mà cổ kính khi dạo bước trên con phố lịch sử thì sẽ thật tuyệt vời.
Bài, ảnh: THÙY LINH