NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc nhà hát cho biết: “Khi đến với các trường học mới thấy, không phải phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh không còn mặn mà với sân khấu. Điều quan trọng là nghệ sĩ phải tiếp cận và biết khơi dậy tình yêu nghệ thuật ở khán giả”.

Thời gian qua, để đưa chèo đến với học sinh, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng những kịch mục, chương trình phù hợp với từng lứa tuổi, chẳng hạn tại trường tiểu học sẽ diễn những vở, trích đoạn truyện cổ tích, dân gian; bậc THCS diễn trích đoạn trong các vở diễn có nội dung gần với môn Văn học, giới thiệu về nghệ thuật chèo; THPT thì diễn những trích đoạn khó, mang tính lịch sử, văn hóa, có người dẫn chuyện và tương tác giữa nghệ sĩ và học sinh. Như vậy, không gian sân khấu trở thành nơi vui chơi cho các em.

leftcenterrightdel
 Biểu diễn trích đoạn "Thị Màu lên chùa" trong Chương trình "Long Thành diễn xướng" phục vụ khách du lịch của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Theo NSƯT Thu Huyền, để lôi cuốn mọi đối tượng khán giả đến với sân khấu, nhà hát đã liên tục đổi mới kịch mục, chương trình và hình thức biểu diễn. Chẳng hạn biểu diễn phục vụ khách du lịch với các chương trình "Long Thành diễn xướng", "Hà Nội đêm thứ 7" diễn các trích đoạn kinh điển của chèo truyền thống xen lẫn các tiết mục nghệ thuật, như: Hát văn, hát dân ca, kết hợp biểu diễn với múa rối... Khi tham gia hội diễn, cuộc thi nghệ thuật, nhà hát chú trọng đầu tư dàn dựng để vở diễn có chất lượng tốt nhất; liên tục tuyển dụng những tài năng trẻ... Mọi nỗ lực đều hướng đến mục đích lôi cuốn được khán giả đến với sân khấu chèo.

Mô hình của Nhà hát Chèo Hà Nội hiện nay đang được các nhà hát khác của Hà Nội áp dụng, đó là Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội... Theo NSND Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, nếu trước đây Nhà hát Múa rối Thăng Long “sáng đèn” 365 ngày trong năm với hàng nghìn suất diễn phục vụ khán giả trong nước và du khách quốc tế, thì khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, đã buộc tư duy làm nghề của các nghệ sĩ phải thay đổi. Đó là tìm lại khán giả nội địa và tập trung vào đối tượng khán giả “nhí”. “Làm nghệ thuật sân khấu phải luôn tính toán đến tính bền vững, nhất là sân khấu truyền thống. Không thể bỏ quên đối tượng khán giả chính của mình và phải luôn bồi đắp tình yêu nghệ thuật, mới mong bảo tồn và phát huy giá trị của sân khấu”, NSND Hoàng Tuấn cho hay.

Trong Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi-Chủ tịch hội-khẳng định, đầu tư phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là nội dung mà Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa IX (2020-2025) và đông đảo hội viên, người làm nghề rất quan tâm, trăn trở. NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, các chương trình “Sân khấu học đường” cần được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí; đồng thời các đơn vị nghệ thuật tập trung dàn dựng tác phẩm đúng chuẩn dành cho khán giả trẻ, hướng đi này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả trẻ.

Bài và ảnh: VIỆT LAM