Tuy mảnh mai, nhỏ nhắn nhưng nén hương không thể thiếu trong đời sống tâm linh mỗi người, mỗi gia đình Việt. Để sản phẩm có được mùi hương đặc trưng, người thợ phải kỳ công pha trộn hương liệu, vê từng thẻ hương, hong sấy cẩn thận.
Gia đình ông Lý Đình Như có nghề làm hương từ lâu đời. Kế thừa kinh nghiệm cha ông để lại, ông Như tiếp tục theo nghề và có nhiều cải tiến về mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Như cho hay: “Cho dù có cải tiến thế nào thì bí quyết làm nên một sản phẩm chất lượng cũng không thay đổi. Bởi hương là sản phẩm đặc biệt, khi thắp một lần mà ấn tượng thì người ta sẽ nhớ mãi. Thế nên mùi hương đặc trưng phải được gìn giữ nguyên vẹn, bao năm vẫn vậy”. Nguyên liệu để làm hương là nhựa trám đen nhập từ vùng cao về đem lọc hết tạp chất, tán nhỏ. Các loại thảo dược tự nhiên phơi khô nghiền thành bột mịn. Sau cùng đem nhựa trám, thảo dược trộn đều với bột than, nhào nặn thật kỹ. Bí quyết tạo mùi thơm là các nguyên liệu thảo dược pha trộn với nhau, chỉ cần thêm bớt một vài loại là có mùi khác nhau. Thứ hỗn hợp mềm dẻo đó được cắt thành từng miếng đem vê với tăm hương. Trước đây vê nhựa trám làm bằng tay thì nay được thay thế bằng máy, bảo đảm tính thẩm mỹ, giữ vệ sinh, đồng thời tăng năng suất lao động nhiều lần.
    |
 |
Ông Lý Đình Như giới thiệu sản phẩm hương đen Xà Kiều tại hội chợ làng nghề Hà Nội. |
Thẻ hương vê xong được phơi ngoài nắng chừng 2-3 hôm mới đem vào đóng gói. Việc hong phơi tự nhiên giúp giữ được mùi đặc trưng, thời gian để được lâu hơn. Hương đen được phân ra nhiều loại, có cỡ đại, cỡ trung thắp đỉnh lớn vào dịp lễ hội, cỡ hương nhỏ thắp trong gia đình dài khoảng 20-30cm. Hiện tại, cơ sở Thảo Nguyên Hương sản xuất các loại hương như: “Huynh đệ song toàn”, “Thơm tuyệt kỹ”, “Thơm tỉ muội”. Sản phẩm được đăng ký bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhằm giữ gìn thương hiệu. Khi được hỏi làm thế nào phân biệt giữa hương đen với các loại hương trên thị trường, ông Như nói: “Ngoài mùi thơm đặc trưng thì hương đen không đậu tàn, thắp tới đâu tàn trắng rụng ngay dưới chân nhang. Còn một số loại hương khác khi thắp tàn uốn cong trông đẹp mắt nhưng là loại tẩm hóa chất giúp đậu tàn, khói hít vào rất độc hại”.
Hương đen Xà Kiều góp mặt trong dịp lễ, tết tạo nên mùi thơm đặc trưng như nhắc nhở tâm thức mỗi người hướng về cội nguồn truyền thống. Làn khói hương vấn vít lan tỏa làm ấm ban thờ gia tiên. Không chỉ có vậy, mùi hương đen tự nhiên của thảo mộc còn giúp phong quang nhà cửa, xua đuổi tà khí, chống ẩm mốc. Ông Như giải thích thêm: “Màu đen huyền diệu cùng mùi hương thanh khiết còn gắn liền với đạo Phật, với truyền thống tín ngưỡng, đời sống tâm linh của mỗi con người. Do vậy, thắp nén hương đen không chỉ tạo ra không khí linh thiêng thoát tục mà còn giúp tâm hồn mỗi người thanh tịnh, lắng sâu”.
Tâm huyết với nghề truyền thống quê hương, ông Lý Đình Như đã mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hằng năm, cơ sở sản xuất của ông làm khoảng 30-40 tấn hương đen đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tự hào về nghề truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh, ông chủ cơ sở Thảo Nguyên Hương không quên đọc mấy lời thơ như muốn gửi gắm tất cả tâm tình của mình trong mỗi nén hương: “Thắp nén hương đen nhớ quê nhà/ Nao nao vời vợi cõi lòng ta/ Phiêu bạt cuối đời hằng lưu luyến/ Làn khói hương thơm thật đậm đà”.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC