Vào các dịp lễ, tết, người dân các vùng Lĩnh Nam, Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông quanh kinh thành Thăng Long xưa thường khai hội thả chim bồ câu. Có những hội lớn kéo dài đến mấy ngày.

Bồ câu là loài vật thông minh, thân người, có khả năng định hướng tốt. Từ xa xưa, người cổ đại đã biết dùng chim bồ câu để truyền tin. Một trong những tin tức quan trọng thời đó là tin chiến thắng, vậy nên ở một số nền văn hóa, chim bồ câu được coi là biểu tượng cho hòa bình, tự do. Ở Việt Nam, chim bồ câu còn được gán cho nhiều đức tính tốt của con người như chung thủy, nghĩa tình, luôn biết tìm về tổ cũ. Đàn chim bồ câu thường sống có tính hợp quần, đoàn kết, có thứ bậc trên dưới. Dân gian dựa vào những đức tính đó sáng tạo ra thú chơi thả chim bồ câu.

leftcenterrightdel
 Thi thả chim bồ câu ở Đông Anh. Ảnh: Thái Hòa.

Hằng năm ở quanh vùng Thăng Long-Hà Nội có đến hàng chục hội thi thả chim bồ câu, thường được tổ chức vào hai mùa: Mùa hạ (tháng 3-4 âm lịch) và mùa thu (tháng 7-8 âm lịch). Từ xưa các cụ đã định ra tiêu chuẩn thi thả chim câu bay rất nghiêm ngặt. Cả đàn bay chặt chẽ, cự ly đều, không tách rời đàn, vòng lượn hẹp và tròn, bay cao, trụ hướng thẳng đứng. Khi mắt thường nhìn lên thấy cả đàn chụm thành một vòng tròn nhỏ không thấy vỗ cánh rồi tìm hướng bay về tổ, lúc đó đàn chim được vào “trông thượng” để xét giải. Ở một số nơi còn có lệ đặt một chậu nước giữa sân rồi ban giám khảo ngắm đàn chim bay qua chậu nước ấy. Tùy xem đàn nào bay chụm, gọn trong tầm nhìn của chậu nước mà định hơn thua. Một đàn thường có 5 đôi chim trống, mái (cũng có nơi chuộng thả bầy lẻ từ 9 đến 15 con). Chim không quá non, cũng không được quá già để có đủ sức bay cùng đàn trình diễn.

Huấn luyện chim câu thi rất công phu, người nóng vội không tài nào luyện được. Đầu tiên phải bắt tách chim non, lựa được con chim có “khí chất” thủ lĩnh để tạo đàn, rồi sau đó ghép đôi, tạo bầy. Đối với chú “chim thủ lĩnh” luôn có một chế độ chăm sóc đặc biệt để tạo ra “bản lĩnh” cho cả đàn. Bản lĩnh ở đây là khả năng bay xa nhớ đường, bay vòng lượn đẹp, không sợ tiếng động, không sợ đông người mà rối loạn tứ tán. Có được con chim thủ lĩnh tốt là quyết định đến 90% thắng lợi của bầy. Luyện chim bồ câu không đơn giản chỉ là chăm sóc ăn uống, mà phải trút vào tâm tư tình cảm. Chim cũng trở nên quyến luyến người, không dứt tình nghĩa. Có chuyện kể rằng, khi người luyện chim bồ câu qua đời, đàn chim tan tác bay hết. Người nhà đi tìm quanh làng không thấy, cuối cùng ra đến mộ phần của người nuôi chim thì tìm được cả đàn đang đậu quanh đó.

Mấy chục năm rồi Hà Nội đô thị hóa nhanh quá, những làng nổi tiếng với nghề nuôi chim như Hoàng Mai, Mai Động, Lĩnh Nam đang mất dần danh tiếng. Thay vào đó, thú chơi này được “chuyển” ra những vùng ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn,… âu cũng là vì phong cảnh đổi thay mà thú vui đổi khác. Điều đáng mừng là hội thi thả chim bây giờ vẫn được duy trì. Người chung thú vui vẫn tìm đến được với nhau qua mạng xã hội, qua internet.

ĐÔNG LÊ