Tài hoa trong từng khâu chế tác

Ông Nguyễn Văn Dậu (75 tuổi, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đã duy trì nghề làm rối đến nay là đời thứ 6. Ban đầu chủ yếu sản xuất các quân rối còn đơn giản và thô sơ, nhưng để phù hợp với yêu cầu sử dụng, thị hiếu của khán giả, người thợ Chàng Sơn đã sáng tạo ra nhiều loại quân rối với màu sắc, kích thước và ngoại hình khác nhau”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Dậu, Trưởng Phường rối nước Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, người góp công lớn trong việc duy trì và bảo tồn nghề rối nước của làng.

Là Trưởng Phường rối nước Chàng Sơn, ông Nguyễn Văn Dậu cho biết thêm, để làm được một quân rối phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Tất cả quá trình đều được làm hoàn toàn bằng tay, yêu cầu sự tập trung và khéo léo. Gỗ là nguyên liệu chính dùng để làm quân rối, vì vậy trong cách lựa chọn cũng phải đảm bảo đủ các tiêu chí như: Thân gỗ to, chắc, không mối mọt, nhẹ, dai và dẻo để giúp người điều khiển con rối dễ dàng biểu diễn, dễ nổi trên mặt nước, chính vì vậy gỗ mít, gỗ sung thường được ưu tiên. Thân gỗ sau khi lựa chọn sẽ được bổ ngang làm đôi hoặc làm tư rồi cắt theo chiều dài tùy thuộc vào kích thước của quân rối, tiếp đó ngâm kỹ trong nước 3 tháng. Thanh gỗ khi ngâm xong được mang phơi khô, rồi đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng đã được phác họa từ trước, sau đó gọt giũa, đánh bóng bằng giấy ráp và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao, đặc biệt thường phác họa hình ảnh của nhân vật gắn với cuộc sống lao động hằng ngày.

Theo những người thợ làm rối lâu năm của làng Chàng Sơn, tạo hình nhân vật rối phải được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc dân gian và nghệ thuật điêu khắc cung đình. Các quân rối khi làm ra đều mang tính ước lệ tượng trưng, sáng tạo không theo một khuôn mẫu nhất định; mà phải dựa trên kịch bản có sẵn với các hình tượng nhân vật được khắc họa trong câu chuyện. Mỗi nhân vật đều được xây dựng hình dáng, tính cách điển hình, giúp cho khán giả có thể dễ dàng phân biệt, không bị nhầm lẫn giữa các nhân vật với nhau.

leftcenterrightdel
Các quân rối nước của Chàng Sơn được mang trưng bày tại triển lãm. Ảnh nhân vật cung cấp.

“Không chỉ đặc sắc trong khâu chế tác, kỹ thuật của rối nước Chàng Sơn cũng rất đặc biệt. Rối Chàng Sơn sử dụng dây để điều khiển chứ không dùng sào. Con rối nhờ thế có thể đi xa buồng trò đến gần khán giả, các động tác của con rối uyển chuyển, sinh động hơn. Ðây là lý do mà khán giả rất thích thú khi xem rối nước làng Chàng. Nổi bật như tích trò "Mời trầu", con rối có thể đi từ thủy đình ra tận chỗ khán giả để mời trầu. Tuy nhiên, cái khó đòi hỏi người nghệ sĩ là phải chuẩn bị công phu, phải cắm nhiều cọc hơn múa bằng sào vì thế thủy đình thường là phải dựng ở ao nước có đáy vẫn là bùn; người điều khiển phải khéo léo, chính xác trong từng động tác”, ông Nguyễn Văn Dậu chia sẻ.

Ngoài ra, chính sự khác biệt trong kỹ thuật biểu diễn đã giúp cho nghệ thuật biểu diễn rối nước của Chàng Sơn được người xem vô cùng yêu thích. Ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, phường rối Chàng Sơn còn đi biểu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thất, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (TP Hà Nội), thậm chí là lặn lội tham gia Festival Huế… Tại Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội 2019, phường rối nước Chàng Sơn cũng vinh dự giành được giải nhất cùng với nhiều bằng khen tại các cuộc thi.

Nỗi niềm làng nghề rối nước Chàng Sơn

Thành công là thế, nhưng phường rối Chàng Sơn cũng đang đứng trước nỗi lo thất truyền. Anh Nguyễn Minh Đức, người dân sống tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất chia sẻ trong sự bùi ngùi: “Trước đây, mỗi dịp lễ tết, hội hè, những màn biểu diễn rối nước tại Chàng Sơn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Tôi còn nhớ khi tiếng trống báo hiệu tiết mục sắp bắt đầu thì tất cả mọi người ở xung quanh đều kéo nhau về, chỉ vài phút sau đã chật kín cả thủy đình, nét mặt ai cũng lộ rõ sự háo hức mong chờ. Nhưng giờ đây những buổi diễn rối cũng thưa thớt dần…”.

leftcenterrightdel
Rối nước Chàng Sơn được biểu diễn tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp.

Lý giải về những khó khăn mà Phường rối Chàng Sơn đang phải đối mặt, anh Nguyễn Thế Toàn, công chức văn hóa UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết: “Hiện nay tại xã, đội ngũ lớp trẻ kế cận theo nghề của cha ông còn quá ít. Trong khi đó, nghệ nhân tâm huyết, luôn gắn bó với rối nước quê hương như ông Tân, ông Dậu đã bước sang tuổi xế chiều… Bên cạnh đó, nguồn thu nhập mang lại từ biểu diễn rối nước còn thấp, chưa đủ phục vụ cho cuộc sống của người dân nơi đây. Vì vậy nhiều người không còn theo nghề mà chuyển sang làm các nghề kinh tế khác có nguồn thu ổn định, tồn tại song song với nghề rối như làm gỗ, làm quạt để có thể duy trì cuộc sống”.

"Buồn nhất là cái nôi truyền thống của rối nước từ hàng trăm năm nay mà người dân không được xem, dù cả trẻ con, người lớn vẫn rất háo hức. Tuy vậy nhưng chúng tôi, những người con sinh ra và lớn lên với nghệ thuật truyền thống của quê hương, của gia đình, mang trong mình nhiệt huyết, niềm đam mê vẫn luôn nhắc nhở bản thân và con cháu phải quyết tâm giữ gìn, bảo tồn cho tốt. Sẽ có nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng tôi tin sẽ làm được để xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã dày công gây dựng", đó là lời chia sẻ mộc mạc nhưng lại chất chứa biết bao tâm huyết, tình cảm của ông Nguyễn Văn Dậu -người nghệ nhân đã dành cả cuộc đời với nghề rối nước.

Bài, ảnh: LAN ANH