Lối kiến trúc quân sự độc đáo

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ năm 1822, trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, mặc dù đã có một số dấu tích do sự tàn phá của chiến tranh, song ngôi thành vẫn giữ được hiện trạng tương đối nguyên vẹn so với ban đầu. Đây cũng là di tích văn hóa – lịch sử đại diện cho mô hình thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Thành có bốn cửa quay ra các hướng bắc, nam, tây, đông lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh hay còn gọi là vọng lâu, ngoài ra bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài. Theo ghi chép của Ban Quản lý thành, trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu. Trải qua thăng trầm lịch sử, cổng thành bằng đá ong vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính như thời ban sơ.

Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung, đây là khu vực an tọa, nghỉ ngơi và đi lại của nhà vua vào các ngày lễ tế, lễ bái long trọng. Ngoài các chiến lũy với hệ thống thông hào chằng chịt, lũy tre xanh thẳng tắp, thành còn được bố trí ba khẩu đại bác lớn ở ba mặt tiền phục vụ cho mục đích tấn công và phòng thủ, bảo vệ sự an toàn của nhà vua và thành trì.

Bên trong thành được trang bị đầy đủ lương thực, súng đạn, thuốc men ở mỗi dinh thự và doanh trại, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian nan của dân tộc. Khoảng thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XIX, Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc… lãnh đạo.

leftcenterrightdel
Cột cờ nằm chính giữa trung tâm thành, hai bên được thiết kế theo trục đối xứng.

Chính giữa thành là một kỳ đài to lớn được xây dựng theo hình tháp 8 cạnh, cao 18 mét. Đường lên đỉnh tháp là một cầu thang đá được thiết kế theo kiểu kiến trúc xoáy trôn ốc với 50 bậc đá dài, trên đường lên sẽ thấy những ô cửa sổ nhỏ hứng trọn ánh nắng mặt trời rất nên thơ, đẹp mắt. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, đồng thời cũng là địa điểm quan sát cao nhất của lính An Nam. Dưới chân tháp, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai giếng nước to lớn, xanh trong, tạo nên một vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn.

Theo ông Nguyễn Trọng An, đại diện Ban Quản lý di tích Thành cổ Sơn Tây, trong bối cảnh đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, nhiều người dân có nhu cầu tìm về cội nguồn của dân tộc, vì vậy công tác quản lý cũng như bảo tồn di tích cũng được hết sức chú trọng. Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng du lịch vốn có, thành cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Ví dụ như mỗi dịp Tết đến Xuân về, đây lại là nơi tổ chức trưng bày sinh vật cảnh phục vụ nhu cầu tham quan thưởng ngoạn của nhân dân địa phương và khách du lịch thập phương.

“Trái tim” của Thị xã Sơn Tây

Chẳng biết từ bao giờ, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành biểu tượng văn hóa cho vùng đất địa linh nhân kiệt này, thậm chí nhiều học sinh trường Trung học phổ thông Sơn Tây còn yêu mến gọi trường của mình là “ngôi trường bên thành cổ”. Bạn Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Tuổi thơ của mình gắn liền với những buổi cuối tuần được bố mẹ cho vào thành cổ chơi đu quay, sau này đu quay không còn nữa nhưng ngôi thành vẫn gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp thời học sinh của mình, đó là những chiều tan học ngồi ăn chè thạch găng trước cổng thành, là những lần bạn bè dắt tay nhau tản bộ quanh thành, là những bức ảnh kỷ niệm bên hàng bằng lăng tím…”.

leftcenterrightdel
Một góc trong thành cổ.

Còn đối với ông Hữu Khải, một người con của mảnh đất Sơn Tây, ai đến Sơn Tây mà chưa ghé vào thành cổ thì quả là một điều đáng tiếc, vì nếu ví thị xã này là một thực thể thì thành cổ chính là trái tim – một trái tim rất lãng mạn và nên thơ nhưng cũng không kém phần khí thế, nghiêm trang. Bởi vậy mà những người dân Sơn Tây chúng tôi vẫn thường tự hào mà chia sẻ rằng: “Thành Sơn cổ kính lừng danh / Vọng cung, Võ miếu tường thành hiên ngang”.

Thành cổ Sơn Tây không chỉ là bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn là thông điệp thế hệ trước gửi cho thế hệ sau. Qua đó, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong trái tim mỗi người.

Bài, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH