Chùa Giàn tại làng Xuân Đỉnh ra đời từ thế kỷ 18, được xây dựng trong sự hòa hợp với môi trường tự nhiên, sơn thủy hữu tình, đáp ứng với quan niệm về thế giới quan và thẩm mỹ truyền thống của nhân dân. Chùa Giàn có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng sự tàn phá của thiên tai, chùa nay không còn nguyên dáng vẻ xưa, mà đã được xây dựng lại.
Trước đó, chùa chỉ có hai gian thờ nhỏ, kiến trúc theo phong cách thời Nguyễn. Chùa mới được xây dựng lại trên nền đất cũ có tầng trệt làm nhà tổ và phòng khách, tầng trên là đại điện. Gian bên trái của chính điện là nơi thờ Mẫu.
Đến chùa Giàn vào một chiều mưa, chúng tôi có cảm giác như được gột rửa trước khi bước chân vào chốn thanh tịnh, linh thiêng. Những lo toan bộn bề của cuộc sống dường như được để lại hết phía sau khi chúng tôi đứng trước ngôi bảo tháp mới được xây dựng của chùa. Tháp có 12 tầng, tượng trưng cho thập nhị nhân duyên trong Phật giáo. Trên đỉnh tháp đặt tượng Đức A di đà - giáo chủ Tây phương cực lạc. Tầng 3 của tháp đặt tượng Quan thế âm bồ tát, còn tầng 2 là nơi đặt đại hồng chung – ngày ngày tiếng chuông chùa ngân vang từ đó, tiếng chuông chùa vang vọng, dẫn con người vào chốn tĩnh tâm. Và đó cũng là mái che ân tình cho muôn nẻo đời người trong bao nhiêu biến cải của cuộc đời.
Đi qua ngôi bảo tháp 12 tầng, tiến về phía cổng chùa, có một tấm bia đá cổ khắc lại lịch sử chùa Giàn. Qua cổng là đến một khoảng sân không rộng lắm. Tại đó có một lư hương lớn, chạm nổi họa tiết rồng. Tiếp đến là cầu thang đá dẫn lối lên điện thờ chính. Khoảng giữa của cầu thang được chạm khắc họa tiết rồng, không phải chùa nào cũng có cầu thang thiết kế như vậy. Toàn bộ bậc lên xuống và lan can chùa đều được làm bằng đá. Chùa được xây dựng không ngoài quy luật của chùa Việt nói chung và chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng là: Khu đất dựng chùa đắc địa, đẹp, và tốt về phong thủy. Mái chùa xoải rộng và lợp ngói đỏ. Đầu mái uốn cong, trang trí rồng. Nóc mái đắp hình rồng, và phía trên đầu rồng có hình tượng bánh xe Pháp, hay Pháp luân là một trong những biểu tượng của Phật giáo. Điểm đáng chú ý của bánh xe Pháp tại chùa Giàn ở chỗ tâm của bánh xe là chữ Vạn – cũng là một biểu tượng của Phật giáo.
Bước vào chính điện, một không khí linh thiêng, vừa tôn kính vừa gần gũi với khói hương lan tỏa, ánh sáng huyền ảo với sắc đỏ - nét đặc trưng trong kiến trúc chùa ở Việt Nam. Tuy được xây mới nhưng chùa Giàn vẫn giữ lại được bộ tượng cổ từ xưa. Các pho tượng cổ nay được sơn son thiếp vàng lại. Đại hùng bảo điện được bài trí theo bố cục phổ biến của chùa ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, tầng tầng lớp lớp tượng Phật được bài trì theo các bộ như: Tam thế Tam Thiên Phật, Di đà tam tôn... Tuy nhiên, không giống các chùa khác, thường chỉ có một bộ Di đà Tam Tôn, tại Thiên Phúc tự này có 2 bộ Di đà Tam Tôn.
Điểm đặc biệt trong kiến trúc chùa Giàn là tất cả các bức tường đều được xây bằng đá, trên đó chạm khắc nổi hình tượng 500 vị La Hán cùng các câu chuyện về các ngài. Cấu trúc gỗ trong chùa được chạm khắc, nhiều nhất ở hệ dầm, xà, bẩy, kẻ đỡ mái. Nét đục chạm tuy không đạt đến đỉnh cao nghệ thuật nhưng nhìn tổng thể lại rất hài hòa, họa tiết không chú trọng vào phong cách nghệ thuật của giai đoạn lịch sử nào mà là sự tổng hợp từ các họa tiết ở nhiều nơi, nhiều thời kỳ.
Chùa làng hồn nước, ngày nay Thiên Phúc Tự thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội) không chỉ là điểm đến của phật tử tứ xứ mà còn là nơi níu chân khách thập phương tìm viếng cảnh chùa, với niềm tin rằng giữa chốn thiền môn, tham sân si, phiền muộn sẽ được gội rửa, để lòng được nhẹ nhàng thanh thản.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG