Trong căn nhà hẹp ở số 11 phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), vốn là "Gác Lưu xá” một thời, tên do “Ông đồ” Vũ Đình Liên đặt cho nơi ở của nhiếp ảnh gia kháng chiến nổi tiếng Trần Văn Lưu, nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa dẫn chúng tôi tham quan “gia tài” ảnh chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái của ông còn giữ được đến nay.
Là con trai nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, theo nghiệp của bố và say mê chụp ảnh chân dung các văn nghệ sĩ như bố mình, ông Trần Chính Nghĩa may mắn được gần gũi những tên tuổi lớn nửa cuối thế kỷ 20 như: Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Nguyễn Tuân... trong những cuộc tụ họp văn nhân nơi căn nhà nhỏ của gia đình. Trong đó, người ông chụp nhiều nhất là họa sĩ Bùi Xuân Phái, người bạn thân thiết như anh em ruột của bố mình. Không chỉ chụp Bùi Xuân Phái ở nhà danh họa, ở “Gác Lưu xá”, ông còn theo chân họa sĩ đi vẽ ở Văn Miếu, ở công viên Thống Nhất, ở triển lãm.
    |
 |
Chân dung danh họa Bùi Xuân Phái trong tác phẩm “Thiên vấn” của nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa. |
Về bức ảnh mà nhiều người đặt tên “Thiên vấn” (Hỏi trời), nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa kể, đó là năm 1984, trước triển lãm đầu tiên và duy nhất của mình, Bùi Xuân Phái đã mời khoảng 6-8 người chụp ảnh có tiếng lúc bấy giờ đến nhà ông ở 87 phố Thuốc Bắc chụp ảnh chân dung ông để chọn in phía trên phần tiểu sử họa sĩ treo tại triển lãm. Cuối cùng, họa sĩ chọn bức ảnh do Trần Chính Nghĩa chụp. Bức ảnh có tiền cảnh là danh họa Bùi Xuân Phái với gương mặt gầy hiền từ, đôi mắt sáng, ngước nhìn lên và hậu cảnh là bức tranh “Phố Phái”. Bức ảnh lâu nay rất quen thuộc với công chúng và được in trên tem bưu chính. Nói về danh họa của những con phố Hà Nội, ông Trần Chính Nghĩa rưng rưng, rằng Bùi Xuân Phái là một nghệ sĩ lớn không chỉ bởi tài năng mà còn ở cốt cách đáng kính nể, một trái tim nghệ sĩ đẹp đẽ.
Cũng bởi tín nhiệm tài chụp ảnh chân dung của con trai người bạn thân, năm 1988, khi dự cảm ngày từ biệt trần thế không xa, họa sĩ đã gọi Trần Chính Nghĩa đến chụp cho mình bức chân dung với ý định sẽ dùng làm ảnh thờ, nhưng ông chỉ nói với nhà nhiếp ảnh trẻ: “Nghĩa chụp cho tôi ảnh chứng minh thư để dán vào y bạ”. Đến nhà họa sĩ, thấy không có bức tường nào có thể dùng làm phông nền mà chỉ toàn tranh, nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa đã chọn nền là bức tranh “Chèo” của Bùi Xuân Phái để chụp ảnh. Nhận được ảnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái rất ưng: “Nghĩa chụp hợp quá. Bức ảnh có hồn, không ra ảnh chứng minh thư nhưng làm ảnh dán vào y bạ thì được”. Một thời gian sau, khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, bà Nguyễn Thị Sính-vợ danh họa-đã gọi điện nhờ Trần Chính Nghĩa chọn một bức ảnh đẹp để phóng ra chuẩn bị cho tang lễ. Ông đã chọn chính bức ảnh dán y bạ này. Sau này, bà nhiều lần cảm ơn bởi “đã chụp được một bức ảnh mà khi nhìn vào đó, gia đình luôn nghĩ ông Phái vẫn như đang còn sống”.
Trong một khoảng thời gian dài, nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa đã chụp hàng nghìn bức ảnh về cuộc đời và các sáng tác của Bùi Xuân Phái. Những bức ảnh không chỉ tái hiện hình ảnh đời thường của một danh họa với những buồn-vui trong đời, những mối quan hệ đẹp đẽ giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, giữa con người với con người một thời mà còn bộc lộ được thần thái, cốt cách cùng những trăn trở của một thiên tài nghệ thuật. Tất cả những bức ảnh được chụp, chỉ vì quý mến một con người chứ bản thân nghệ sĩ cũng không thể ngờ rằng đến nay, những bức ảnh đó toát lên một tình yêu trọn vẹn, một sự gắn bó máu thịt của Bùi Xuân Phái với Hà Nội.
LÊ NAM