Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ năm 541 đến 547, thời Tiền Lý, tại bến sông Hồng thuộc địa phận làng Yên Hoa (nay là làng Yên Phụ). Lúc đầu, chùa có tên là chùa Khai Quốc (mở nước) nhưng đến thời vua Lê Hy Tông đã đổi hiệu là Trấn Quốc nên chùa có tên gọi như ngày nay.

Tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ở Hồ Tây, sau nhiều sự biến thiên của lịch sử, một phần kiến trúc của chùa đã bị thay đổi nhưng vẫn giữ được kiến trúc hình chữ Công gồm: Nhà tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện nối với nhau. Mặt trước của chùa là đường Thanh Niên, còn xung quanh là mênh mang sóng nước Tây Hồ. Nhìn từ xa, chùa như một bông sen đang nở trên mặt Hồ Tây thanh bình.

leftcenterrightdel
 Dù trời mưa nhưng vẫn có nhiều du khách đến vãn cảnh chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc thường là nơi các vua chúa đến vãn cảnh, cúng lễ. Sử sách ghi lại, từ năm 1813 đến 1815, chùa đã được tu sửa. Khuôn viên chùa có vườn tháp, trong đó có tòa Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng từ năm 1998 gồm 11 tầng, cao 15m, mỗi tầng đều có nhiều pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý; đỉnh tháp có đài sen chín tầng (Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý… tạo nên điểm nhấn vô cùng ấn tượng cho chùa.

Đối xứng với Bảo tháp chính là cây bồ đề lớn nằm phía sau ngôi chùa, do Tổng thống Ấn Độ trồng tặng khi đến thăm Hà Nội vào năm 1959. Tán bồ đề xum xuê tỏa bóng bốn mùa. Du khách tới lễ chùa, tham quan có thể ngồi nghỉ chân, phóng tầm mắt hướng về nhiều phía để cảm nhận khung cảnh đầy thanh tịnh mà mặt nước Tây Hồ vẫn mơn man xô vào bờ gạch rêu phong nghìn năm.

Màu mưa phủ trắng không khí tâm linh chùa Trấn Quốc vào những ngày tháng 10 này, nhưng hàng nghìn khách du lịch, trong đó có nhiều đoàn nước ngoài vẫn đội mưa thăm thú, tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc chùa. Dường như giữa chốn phồn hoa đô thị, con người ta khi vào chùa, nghe tiếng chuông ngân vọng, tâm tính tự nhiên không sân si, hành vi tự điều chỉnh khiến cho chốn tâm linh vốn đã cổ kính, thanh tịnh lại càng uy nghiêm, thanh nhã.

Trong dòng chảy văn hóa của người Việt, để giúp con người thoát tục, hướng đến nhân văn thì chỉ có an yên về tư tưởng mới có được cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh. Gần 1.500 năm tuổi đã nói lên giá trị tuyệt đỉnh văn hóa, lịch sử của chùa Trấn Quốc. Danh thắng đặc biệt đất Thăng Long này không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh dịp lễ, Tết mà còn là địa điểm tham quan đặc biệt với du khách thập phương khi đến Hà Nội.

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, chùa Trấn Quốc được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989; năm 2016, chùa Trấn Quốc nằm trong top 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do chuyên trang du lịch uy tín thế giới Thrillist bình chọn. 

 

Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO