NSƯT Tạ Duy Nhẫn, sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông là con thứ của cụ Tạ Duy Hiển, song là người con duy nhất theo nghiệp cha. Khi mới 5 tuổi, ông đã được cha dạy uốn dẻo, “trồng cây chuối”. Khi đã tập được một số ngón nghề cơ bản, ông được đi theo biểu diễn cùng đoàn. Năm 1963, ông vào học tại Trường Xiếc Việt Nam (nay là Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và bắt đầu quãng thời gian 4 năm luyện tập bài bản tại đây. Năm 13 tuổi, ông đã được đi biểu diễn tại Đông Âu.

leftcenterrightdel
                    NSƯT Tạ Duy Nhẫn giản dị ngoài đời thường.

Cơ duyên với xiếc thú của ông bắt đầu từ năm 1978, khi đoàn lãnh đạo cấp cao của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ sang thăm Việt Nam và tặng 10 con ngựa làm quà. Chính phủ Việt Nam đã giao lại món quà cho Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (nay là Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Vốn thích khám phá, Tạ Duy Nhẫn đã nhận 4 chú ngựa để huấn luyện. Tuy nhiên, đó đều là những con ngựa rất hung dữ nên những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rồi bằng tình cảm, sự kiên trì, ông đã “thu phục”, giúp 4 chú ngựa ấy tập thành công tiết mục “Ngày hội trên mình ngựa” nổi tiếng, hiện đã trở thành tiết mục truyền thống trong bộ môn xiếc ngựa của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. NSƯT Tạ Duy Nhẫn nhớ lại: “Chuyện tôi huấn luyện được ngựa hoang của Mông Cổ đã được giới xiếc hai nước truyền tai nhau suốt nhiều năm. Đặc biệt, năm 2014, Đài Truyền hình Mông Cổ còn sang phỏng vấn tôi về bí quyết đưa những chú ngựa hoang lên sân khấu”.

Mặc dù đến với xiếc thú đầu tiên là qua xiếc ngựa, thế nhưng xiếc khỉ đã tạo nên tên tuổi của của NSƯT Tạ Duy Nhẫn. Theo quan điểm của ông, khỉ là loài động vật gần gũi và có thể mang đi một cách dễ dàng. Trong các tiết mục xiếc khỉ, ông nhớ có một chú khỉ bị tật ở chân nên không thể điều khiển xe đạp giống như những chú khỉ khác, vì vậy ông đã huấn luyện cho chú khỉ này lái xích lô. Và đó là chú khỉ duy nhất biết đạp xích lô.

leftcenterrightdel

           Ngoài khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn rất giỏi thuần phục ngựa.

Những năm trở lại đây, xiếc thú dần dần được thay thế bởi những vật nuôi thân thiện. Theo NSƯT Tạ Duy Nhẫn, dù huấn luyện xiếc thú hay xiếc vật nuôi thì điều quan trọng nhất của người dạy là phải biết điểm dừng, hiểu rõ khi nào con vật đã mệt. Ông chia sẻ: “Với xiếc thú hay xiếc vật nuôi, điều quan trọng nhất là phải dùng tình cảm, sự yêu thương của con người dành cho chúng, để chúng cảm nhận chúng ta là bạn của chúng. Xiếc thú nói riêng và nghệ thuật xiếc nói chung cần một quá trình luyện tập nghiêm túc, bền bỉ và bài bản”. Tuy nhiên, điều mà NSƯT Tạ Duy Nhẫn trăn trở nhất lúc này là hiện nay một số nghệ sĩ xiếc sử dụng nhiều dụng cụ phụ trợ để gây ấn tượng với khán giả.  Nhưng điều quan trọng nhất của diễn viên xiếc phải để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Sự hiểu biết của khán giả ngày càng nâng lên thì các nghệ sĩ càng phải chú ý tìm tòi, sáng tạo.

Dù cuộc sống không dư dả là mấy nhưng nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn nhất quyết cho hai người con theo nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, người con gái lớn của ông, nghệ sĩ Tạ Thúy Phương khi đang trên đỉnh cao phong độ thì đã bị tai nạn trong lần biểu diễn tại SEA Games 22-năm 2003, buộc phải dừng sự nghiệp biểu diễn. Niềm hy vọng giữ “tổ nghiệp” được đặt trên vai người con trai út Tạ Duy Kiên, hiện là nghệ sĩ xiếc khỉ đầy triển vọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Dẫu vậy, ông vẫn đau đáu nỗi lo những người cháu của mình không đủ tình yêu để theo nghề.

Rời xa ánh đèn sân khấu, NSƯT Tạ Duy Nhẫn vẫn nhận được nhiều lời mời tham gia biểu diễn của các đoàn xiếc tư nhân. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu thấy điều kiện chăm sóc những con thú, vật nuôi chưa đạt tiêu chuẩn, ông đều tìm lý do để từ chối. “Đã làm nghề là phải giữ nguyên tắc nghề nghiệp”, NSƯT Tạ Duy Nhẫn khẳng định.

Bài và ảnh: PHẠM ĐIỆP