Tinh hoa trước gió

Tranh Hàng Trống từng được xem là món ăn tinh thần của người Hà Nội xưa, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nét đặc biệt của tranh Hàng Trống là sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Mỗi bức tranh chỉ có duy nhất một ván khắc, tạo thành xương cốt. Khi bản in nét đã hoàn chỉnh, người họa sĩ sẽ dùng bút lông chấm màu để tạo thành từng mảng đậm nhạt, tùy theo bố cục và đường nét.

Hàng Trống nổi tiếng với những bức tranh dùng trong tín người dân gian, như Bà chúa thượng ngàn, Ngũ hổ, Ông hoàng cưỡi cá... Những chi tiết sử dụng trong tranh mang đậm ảnh hưởng thẩm mỹ của giới sĩ phu kinh kỳ, như mai - lan - cúc - trúc, đàn - ca - sáo - nhị.... Có thể nói, Hàng Trống là một giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên hồn cốt của Hà Nội xưa.

leftcenterrightdel
Bức tranh ngũ hổ nổi tiếng trong bộ sưu tập tranh Hàng Trống. (Ảnh: Báo Khoa học và đời sống).

Thế nhưng ngày nay, dạo quanh phố Hàng Trống, dòng tranh dân gian này không còn nhiều. Thay vào đó là những tờ giấy dó, gam màu mộc mạc, họa tiết truyền thống, là những quán hàng bán đồ lưu niệm, cà phê, quần áo… Phố vẫn còn, mà nghề nay đâu mất, sự hào hoa hưng thịnh một thời chỉ có thể kiếm tìm trong ký ức mà thôi.

Bác Vũ Đình Anh (70 tuổi, một người dân sống lâu năm ở phố Hàng Trống) tâm sự: “Tôi còn nhớ hồi bé, vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, bao giờ mẹ cũng dẫn tôi ra đầu phố mua hai bức công – chép, treo ở hai bên bàn thờ. Công thể hiện sự cao quý, đảm đang của người phụ nữ trong gia đình. Chép là sự thành đạt của người đàn ông. Nhưng sau rồi, tập tục ấy ngày càng mai một dần, đến bây giờ thì không còn nữa. Cuộc sống thay đổi, mọi thứ thay đổi, nghĩ cũng tiếc, nhưng cũng đành chấp nhận thôi.”

Những người giữ lửa

Trước thực trạng tranh Hàng Trống đang dần bị thất truyền, S-River, một tổ chức gồm những bạn trẻ yêu thích hội họa truyền thống, đã thực hiện một một kế hoạch táo bạo, mang tên Họa sắc Việt - ứng dụng dòng tranh này vào đời sống hiện đại.

leftcenterrightdel
Phố Hàng Trống giờ không còn bán tranh nữa. 

Mục đích của dự án là lưu trữ toàn diện tranh Hàng Trống trên môi trường số hóa, với màu sắc, đường nét chuẩn xác hơn so với đời thực. Một mặt, tranh sẽ không bị hư hại, mai một bởi bất kỳ tác nhân vật lý nào. Mặt khác, các hoa văn sẽ dễ dàng được ứng dụng vào lĩnh vực thiết kế (thời trang, nội thất, đồ họa...). Như vậy, không chỉ giúp tranh Hàng Trống trở nên gần gũi với sinh hoạt người dân hiện đại hơn, mà còn làm vực dậy sức sống của tranh truyền thống này.

Chị Trịnh Thu Trang, người sáng lập dự án, trưởng nhóm S-River cho biết: “Công nghệ cũng như nghệ thuật luôn tồn tại trong cuộc sống và giúp cuộc sống phong phú theo cách riêng. Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam, tạo nên những nguồn nguyên liệu truyền thống quan trọng cần được khai thác. Trong đó Tranh Hàng Trống là một kho tàng đồ sộ nhưng hiện tại đang có nguy cơ mai một và thất truyền. Thực tế, ngành thiết kế, mỹ thuật của nước ta đang rất thiếu những nguyên liệu truyền thống. Điều đó dẫn đến sự yếu thế của nền thiết kế của Việt Nam, khó có thể cạnh tranh với các nước bạn như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ góc nhìn của người thiết kế, tôi đã nhìn ra tiềm năng ứng dụng rất lớn của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú.”

Về tương lai của tranh Hàng Trống, chị cũng tâm sự thêm: “Tranh Hàng Trống không chỉ tinh tế về nét vẽ, chặt chẽ về bố cục, độc đáo trong phối màu, mà còn mê hoặc người xem bởi nó hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện trọn vẹn những nét đẹp của văn hóa Thăng Long. Tuy nhiên, dòng tranh nổi danh một thời này chỉ còn duy nhất một nghệ nhân cao tuổi còn làm nghề (nghệ nhân Lê Đình Nghiên). Dự án là một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. Chúng tôi không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử. Việc chúng tôi có thể làm là chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Họa sắc Việt là cách chúng tôi làm để những giá trị dân gian xưa “sống lại”, để chúng không chỉ vĩnh viễn “nằm yên” trong các bảo tàng, mà ở bất cứ đâu trong đời sống, người ta đều có thể dễ dàng bắt gặp”.

Thời đại thay đổi, đồng nghĩa với việc thị hiếu người dân không giống như xưa, thú chơi tranh đã chẳng còn phổ biến. “Hàng Trống” chỉ là một cái tên rất cổ để hoài niệm. Đâu phải địa chỉ quen thuộc, nơi người dân tìm đến vào mỗi dịp lễ Tết để mua về những bức tranh cầu an. Song, nguyên nhân thất truyền không chỉ dừng lại ở đó. Nguồn cung giấy dó, yếu tố quan trọng nhất làm nên phần hồn của tranh, cũng đang lụi tắt dần. Trước đây, ở Yên Thế (Làng Bưởi, Tây Hồ) vẫn sản xuất loại giấy này, nay số người theo nghề chẳng còn lại là bao. Liệu những “người giữ lửa”, có thể giúp Hàng Trống vượt qua những khó khăn ấy để sống mãi với thời gian, trở thành một di sản văn hóa vô giá, được bạn bè quốc tế công nhận và yêu thích?

Bài, ảnh: XUÂN QUỲNH