Từ xa, mọi người đã nhìn thấy ngôi nhà hai tầng tường vàng, mái ngói nâu trầm. Xưa kia, đây là nhà ông Nguyễn Văn Dương, một tiểu chủ nghề dệt có tư tưởng tiến bộ, ủng hộ cách mạng.
Tập trung đông đủ trước khoảng sân rộng, cán bộ, hội viên CCB đứng nghiêm trang làm lễ báo công rồi vòng lên tầng hai dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Căn gác hai của tòa nhà là nơi Bác từng làm việc, vẫn còn đó những hiện vật đơn sơ. Chiếc giường gỗ trải manh chiếu cói. Trên bàn làm việc đặt chiếc đèn bão cùng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Qua lời thuyết minh của chị Cao Thị Hồng, những sự kiện diễn ra vào mùa đông năm 1946 gắn với ngôi nhà này khiến người nghe vô cùng xúc động.
    |
 |
Các cựu chiến binh phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) thắp hương tưởng niệm Bác Hồ, tháng 5-2019. |
Đó là tối 3-12-1946, khoảng hơn 18 giờ, một chiếc xe con màu đen đi vào trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông, nơi dinh công sứ Pháp đóng ngày trước. Xe dừng lại ở đó, 5 người từ trên xe bước xuống lặng lẽ đi ra phía cổng sau, qua cầu Am rẽ vào Vạn Phúc. Người đi giữa giống hệt những người đi cùng, đầu đội mũ cát, chân đi giày vải, khoác áo dạ dài nhưng có khăn mùi soa che miệng. Người đó chính là Bác Hồ. Vì bí mật nên Bác không để lộ chòm râu. Tới nhà, đồng chí Trần Đăng Ninh vào trước. Sau khi nói chuyện với gia chủ, đồng chí Trần Đăng Ninh quay ra đón Bác và đưa lên tầng hai.
Lúc này, dân làng dệt đã lên đèn. Nhiều gia đình có người thân ở Hà Nội tản cư về thêm phần đông đúc. Đình làng vẫn có xưởng quân giới. Ngoài đầu làng, dân quân cầm súng, mã tấu đứng gác. Sự kiện Bác Hồ đến với Vạn Phúc nhưng cả làng không ai biết. Ngay cả ông Nguyễn Văn Dương-chủ nhà cũng không nghĩ rằng ngôi nhà của mình lại có vinh dự được đón vị lãnh tụ của dân tộc về làm việc.
Căn nhà chính của gia đình ông Nguyễn Văn Dương được xây hai tầng, mỗi tầng 4 gian, hai bên tả hữu là nhà bếp, nhà dệt, nhà hồ sợi. Tầng dưới vẫn dành cho gia đình sinh hoạt. Tầng trên có phòng nghỉ của cậu Tú Liêu (con trai thứ hai của ông Dương), gia đình đã bố trí làm phòng nghỉ của Bác. Khi bước vào, nhìn những vật dụng sinh hoạt, Người đã chuyển chiếc giường nằm dọc quay sang ngang, chiếc bàn từ cửa sổ được kê gần vào cạnh giường. Bác ngồi ngay trên giường quay ra bàn viết, khi mệt, Người có thể ngả lưng được. Đêm đông, Bác làm việc rất khuya. Ánh đèn dầu hắt qua song cửa từ trên gác hai ra ngoài màn sương đang là ánh sáng soi đường chiến đấu cho cả dân tộc. Gió lạnh thổi từng hồi mà nơi Bác làm việc vẫn ấm cúng. Đó là hơi ấm của ngọn lửa cách mạng đang chuẩn bị thổi bùng lên để toàn dân kháng chiến. Tuy làm việc khuya nhưng sáng Bác vẫn dậy sớm tập thể dục, đôi tạ tay Người mang theo để nơi tường hoa, chiếc thau đồng là vật dụng Bác dùng vệ sinh cá nhân. Mọi sinh hoạt thường nhật Người vẫn duy trì đều đặn.
Những ngày Bác ở Vạn Phúc, tình hình Hà Nội rất căng thẳng, giặc Pháp tiếp tục gây hấn. Điều kiện hòa hoãn không còn nữa. Ngày 17 và 18-12-1946, tại căn nhà Bác ở đã diễn ra Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng dưới sự chủ tọa của Người. Hội nghị đã thông qua đường lối kháng chiến và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Sau hội nghị, tất cả khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp diễn ra.
Theo "Lịch sử Đảng bộ phường Vạn Phúc" ghi lại, chiều 19-12, những người giúp việc Bác được lệnh chuẩn bị rời địa điểm. Tối hôm đó, trước lúc lên đường, Bác gặp gỡ chủ nhà cảm ơn gia đình đã giúp đỡ nơi ăn, ở, làm việc chu đáo. Người căn dặn ông Nguyễn Văn Dương: “Gia đình ta có bát ăn bát để nên tích cực ủng hộ kháng chiến”. Trước lời dạy ân cần của Bác, ông Dương vô cùng xúc động, rồi cung kính xin phép được hỏi Bác một câu: “Kính thưa Cụ! Giặc Pháp mạnh, có tàu bay, xe tăng, đại bác mà ta còn yếu thì đánh thế nào?”. Bác biết câu hỏi của ông Dương là tâm tư của nhiều đồng bào nên nói dứt khoát: “Kháng chiến nhất định thắng lợi, còn đánh thắng nhanh hay chậm là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy, chúng cũng phải thua”. 18 giờ 45 phút, xe đưa Bác rời Vạn Phúc tiếp tục hành trình kháng chiến đầy gian lao thử thách ở phía trước.
Vậy là trọn vẹn 16 ngày đêm, Vạn Phúc có vinh dự được đón Bác về làm việc. Dù thời gian ở đây không dài nhưng lại gắn với thời khắc lịch sử trọng đại liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc khẳng định: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khắc ghi lời Bác Hồ dạy, địa phương đã có nhiều định hướng trong phát triển kinh tế làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa, đem lại đời sống khấm khá cho nhân dân. Bên cạnh đó, địa phương luôn quan tâm đến việc phát huy giá trị di tích lịch sử, đưa Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành địa chỉ đỏ phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm nhấn trong chuỗi du lịch làng nghề”.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM