Sau khi tốt nghiệp Đại học ENSA Paris Malaquais (Pháp), Leibniz Universitat Hanover (Đức), Paul Sabatier (Pháp) và giành nhiều giải tại các cuộc thi lớn tại châu Âu, Trung đã mở văn phòng kiến trúc tại Paris và sáng lập nhóm nghiên cứu Hà Nội Ad Hoc với sự hậu thuẫn của UNESCO, UN Habitat, Viện Nghiên cứu đô thị Canada cho các nước đang phát triển trực thuộc Đại học Montreal.

Trung cho biết, nhiều năm sống ở nước ngoài đã giúp anh nhìn ra những điểm thú vị ở Hà Nội. Khi các đô thị phương Tây đã bão hòa với sự phát triển và những cấu trúc thiếu linh hoạt, thế giới lại có xu hướng tìm đến những gì đa dạng. Hà Nội với nét “ngẫu hứng hồn nhiên” chính là câu trả lời cho những gì thế giới đang hướng đến. Người nước ngoài khi đến với Hà Nội đã vô cùng thích thú khi thấy vỉa hè không chỉ là nơi đi bộ mà còn được người dân Thủ đô sử dụng với nhiều mục đích khác như làm nơi giải trí, giao lưu gặp gỡ hay sự thông minh khéo léo và linh hoạt trong việc cải tạo các khu chung cư cũ, mà tác giả chính là các cư dân đang ở trong khu chung cư chứ không có sự can thiệp của kiến trúc sư. Nói vậy không có nghĩa là Trung đang cổ vũ cho những hoạt động cơi nới, chiếm dụng không gian... Trung chỉ muốn chứng minh rằng, vẻ đẹp phong phú của Hà Nội có thể đến từ những điều tưởng chừng bình thường, quen thuộc.

leftcenterrightdel
 Chiến thắng trong đồ án quy hoạch thành phố Dreux (phía Tây Paris), Mai Hưng Trung thảo luận với lãnh đạo thành phố này về việc quy hoạch Dreux.Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Để tìm ra lời giải, năm 2020, Trung đã có sáng kiến thành lập dự án Hanoi Ad Hoc. Cùng tham gia dự án với Trung là các chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, gắn bó với Hà Nội như giáo sư, nhà nhân học Christina Schwenkel (Mỹ); giáo sư, nhà địa lý học Sylvie Fanchette (Pháp); giáo sư, kiến trúc sư Danielle Labbé (Canada); kiến trúc sư Lê Đức cùng nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư khác... Tất cả đều tình nguyện đóng góp công sức vì có tình yêu, thiện cảm với Hà Nội. Hanoi Ad Hoc tập trung vào 3 hoạt động chủ yếu: Thu thập dữ liệu thực tế-nghiên cứu-phân tích, để từ đó đưa ra các ý tưởng mang tính định hướng cho những giải pháp đô thị ở Hà Nội. 

Năm 2021 khởi đầu cho chuỗi nghiên cứu này. Trong bối cảnh việc di dời những nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội đang trở nên cấp bách, Hanoi Ad Hoc chọn dữ liệu hóa cũng như đưa ra các giải pháp chuyển đổi công năng của nhà máy thành những không gian sáng tạo hay đề xuất việc thay thế vị trí của các nhà máy bằng những công trình có công năng và mật độ thích hợp... Trong những năm sau đó, Hanoi Ad Hoc sẽ tiếp tục nghiên cứu về không gian quanh khu vực sông Hồng, cải tạo chung cư cũ, không gian công cộng và khu vực chợ... Hanoi Ad Hoc được kỳ vọng sẽ tạo ra một quy trình khép kín, từ việc nghiên cứu đến đề xuất định hướng thiết kế. Sau khi hoàn thành, thay vì lưu giữ độc quyền, Trung sẽ đưa các nghiên cứu thành nguồn dữ liệu mở để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng hay bất kỳ ai cần sử dụng.

Mai Hưng Trung tâm sự: “11 năm sống ở Pháp, tôi luôn cảm nhận rõ được những nỗ lực bền bỉ của người Pháp trong việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên ở Pháp lại có quá ít những thứ mới mẻ được tạo ra. Paris chỉ có thể trở nên Paris hơn nữa theo như ‎ý niệm đã tồn tại trong quá khứ chứ không thể có được một sự năng động và sáng tạo của những đô thị như Hà Nội. Hà Nội mới đây đã chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây sẽ là một cơ hội để người dân, chính quyền, giới chuyên môn... cùng chung tay kiến tạo một Hà Nội nguyên bản, mang bản sắc riêng nhưng vẫn phù hợp với thời đại mới”.

HOÀNG LAN