Vì thế, khi đọc kịch bản phim “Nàng dâu order”, Minh Vượng đã thích ngay. Ở đó, chị vào vai một bà nội dù bị cho là khó tính nhưng không hà khắc, không độc ác, mà khán giả khi xem sẽ thấy hình ảnh bà mình, mẹ mình đầy ắp yêu thương. Và cũng bởi cuộc sống hiện nay, với con cái, các bà, các mẹ cũng nên khắt khe một chút, để con cháu có nền có nếp.

Hình ảnh Minh Vượng trong mắt mọi người lâu nay là người vui nhộn, hài hước, dù đã bước vào tuổi 61. Một ngày khá bận rộn với nữ nghệ sĩ này, buổi sáng là các buổi kể chuyện hóm hỉnh cùng những bài học về kỹ năng sống cho các trường mầm non của Hà Nội. Chị bảo, mỗi lần đến các trường là cứ phải rón rén vừa đi vừa giấu mặt, không thì bọn trẻ cứ hò reo “Minh Vượng, Minh Vượng…” vang cả trường. Minh Vượng kể, gương mặt cười tỏa rạng. Minh Vượng bẩm sinh đã thu hút trẻ em, có khi chưa bắt đầu câu chuyện, chỉ mới thấy người nghệ sĩ chuyên mặc áo phông, quần jeans đứng lên lúc lắc người cùng nụ cười thường trực trên môi, các em đã vỗ tay í ới gọi tên rồi. “Tôi yêu sự trong sáng, sự trung thực ở trẻ em vô cùng, các em không hề biết nói dối. Vui nhất là trẻ em coi tôi là bạn thân, là tri kỷ để tâm sự. Chính các em đã cho tôi được trẻ mãi không già, là nghệ sĩ của tuổi thơ, mãi được sống trong thế giới trong sáng và hồn nhiên"-nghệ sĩ Minh Vượng bộc bạch.

leftcenterrightdel
NSƯT Minh Vượng (bên phải) vào vai bà nội trong phim “Nàng dâu order”. Ảnh: VFC.

Vòng quay một tuần của người nghệ sĩ nổi tiếng sân khấu Hà Nội này là các buổi đến trường giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên. Buổi chiều là các giờ lên lớp tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội-ngôi trường Minh Vượng gắn bó trong những năm tháng tuổi trẻ, học tập rồi bén duyên với nghệ thuật chèo, diễn viên sân khấu kịch. Minh Vượng diễn vai đầu tiên vào năm 1980, khi vào vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở “Hà Mi của tôi” do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó. Sau những khởi đầu tốt đẹp, Minh Vượng được cố đạo diễn Bùi Cường mời vào TP Hồ Chí Minh đóng phim “Người hùng râu quặp”. Phim gặt hái nhiều thành công từ yếu tố khán giả đến doanh thu, từ đó Minh Vượng được khán giả yêu mến với duyên đóng vai hài. Trở về Hà Nội, Minh Vượng tham gia tiếp vai diễn bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”, hai vai diễn này đã giúp Minh Vượng giành hai HCV trong cùng một ngày tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 1991, gây tiếng vang lớn. Sau này, Minh Vượng tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và “Gặp nhau cuối năm”.

Bẵng đi một thời gian, mọi người ít thấy Minh Vượng xuất hiện trên sân khấu hay truyền hình, là bởi sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội, chị dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy. Nhiều người bảo chị “điên” vì bỏ những show diễn nhiều tiền để đi “bán cháo phổi”, mỗi buổi dạy thù lao được 200.000 đồng. Thế nhưng, Minh Vượng quan niệm đi dạy không phải vì tiền. Điều quan trọng là đào tạo các thế hệ diễn viên mới, giúp nối dài nghiệp sân khấu. Nhớ vai diễn, nhớ sân khấu, thi thoảng Minh Vượng nhận lời diễn cho Nhà hát Chèo Hà Nội, tham gia dự án sân khấu học đường, diễn các vở như “Quả táo thần”, “Ăn khế trả vàng”... Những ngày cuối tuần, Minh Vượng tích cực đi diễn từ thiện ở nhiều bệnh viện, làng trẻ em; rồi nhận lời đóng phim truyền hình. Minh Vượng nói: “Nghiệp diễn là duyên nợ, không thể bỏ được dù chỉ một ngày. Khi biểu diễn, tôi được cười nói, nhảy múa, hát ca. Đó là những điều tôi đã đam mê từ khi còn trẻ”.

CHÂU XUYÊN