Dù diện tích có phần hạn chế, nhưng hồ Hữu Tiệp lại được xếp hạng cấp quốc gia và hiện do Bảo tàng Chiến thắng B52 trực thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý. Hồ Hữu Tiệp gắn với sự kiện lịch sử năm 1972 - “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm nổi tiếng toàn cầu, khi quân dân ta đánh bại cuộc tập kích đường không có quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Hồ Hữu Tiệp nổi tiếng vì lưu giữ xác B52 như một chứng tích chiến tranh hào hùng của dân tộc ta. Không những vậy, Hồ Hữu Tiệp cũng là nơi duy nhất máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội. Người dân sống quanh hồ Hữu Tiệp hay ở làng hoa Ngọc Hà quen gọi hồ là “hồ B52”. Hồ Hữu Tiệp nằm trọn trong làng hoa Ngọc Hà, như “nhụy hoa” thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến vãn cảnh, nhất là vào dịp tháng 12 hằng năm.

leftcenterrightdel
Một góc hồ Hữu Tiệp, nơi lưu giữ xác máy bay B52.

Trong một số tư liệu, hồ Hữu Tiệp còn có tên gọi là hồ Ngọc Hà. Một số người nhầm hồ này với một hồ Ngọc Hà khác, nằm trong khuôn viên đình Ngọc Hà. Trước đây, không có việc nhầm lẫn hai hồ với nhau, chỉ là vài ba năm trở lại đây, đình Ngọc Hà được tu sửa, xây dựng khang trang, hồ Ngọc Hà trong đình cũng được kè bờ cẩn thận, từ đó mới có sự nhầm lẫn trên.

Theo tài liệu cổ của Hà Nội, hồ Hữu Tiệp và một số hồ khác ở phường Ngọc Hà có liên quan đến một dòng sông cổ từng chảy qua địa bàn. Theo những bản sách cổ, thì dòng sông này có tên Ngọc Hà, được nối thông vào Hoàng thành Thăng Long. Trên bản đồ Hồng Đức, cũng thể hiện một hồ có chiều dài khá lớn, nối thông giữa các hồ ở phường Ngọc Hà với hồ Thủ Lệ (nằm trên đường Kim Mã hiện nay), nằm ở phía tây Hoàng thành Thăng Long.

Thời gian gần đây, du khách đến với Thủ đô đã đến tham quan hồ Hữu Tiệp nhiều hơn. Học sinh trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh thành xung quanh khi về Hà Nội tham quan cũng có những đoàn đến với Di tích cấp quốc gia hồ Hữu Tiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, môi trường trong hồ không được quản lý tốt dẫn tới việc nước hồ nhiều khi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho sự phát triển của rêu tảo, dẫn tới nước hồ bốc mùi khó chịu mỗi khi thay đổi thời tiết. Để Di tích cấp quốc gia hồ Hữu Tiệp thực sự là một địa chỉ du lịch-lịch sử có ý nghĩa với người dân địa phương và du khách, chính quyền Thủ đô nên cải tạo hồ Hữu Tiệp, có các biện pháp bảo vệ môi trường nước trong hồ xanh, sạch, đẹp quanh năm, chứ không chỉ vào mỗi dịp cuối năm.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG