Cách Hà Nội khoảng 30km theo đường quốc lộ 21B về phía Tây Nam, làng nghề đan lồng chim nép mình sau lũy tre làng, đơn sơ và bình dị. Thêm vào đó là nét chất phác của người dân thôn quê với niềm đam mê đan lát như hòa quyện vào nhau, tạo nên mặt hàng lồng chim nổi tiếng, đã trở thành “thương hiệu” riêng của làng Vác.

Tôi đã từng nghe và từng được đến thăm khá nhiều làng nghề đan lát nhưng để đạt đến trình độ kỹ xảo và thẩm mỹ thì ít nơi đẹp bằng sản phẩm lồng chim thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Chị Lưu Thị Nhạn, xã Dân Hòa, chia sẻ: “Gia đình tôi cả hai mẹ con đều làm lồng chim, công việc không nặng nhọc lại dễ làm, có hôm làm nhiều cũng được 150.000 đồng/ngày. Với thu nhập bình quân của cả hai mẹ con là 4-5 triệu đồng/người/tháng, có tháng làm nhiều thì được 6-7 triệu đồng/người/tháng”…

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ là người làm lồng chim nổi tiếng ở làng Vác.

Đến thăm một gia đình nghệ nhân, người có thâm niên đan lát lâu năm - ông Nguyễn Văn Nghệ, thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, chia sẻ: Để có một chiếc lồng chim đẹp, nguyên liệu tre phải được lựa chọn kỹ lưỡng từ các gốc tre đực, khoảng 3 năm tuổi, với độ cứng không quá già và cũng không quá non, sau đó phải qua các công đoạn ngâm, luộc, nướng kỳ công để loại bỏ hết nhựa, vừa giữ cho tre thêm bền chắc, lại tránh được mối mọt, thế nên các nan lồng của làng Vác càng xài càng lên nước bóng mướt.

Tuy nhiên, như nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết, để tạo ra những chiếc lồng chim đẹp và chắc chắn phải được làm bằng tay thì mới điều chỉnh, uốn nắn kịp thời. Cộng với những kinh nghiệm “cha truyền con nối” thì đảm bảo chiếc lồng khi làm ra sẽ ưng ý hơn nhiều so với lồng chim được kết hợp làm bằng máy móc.

leftcenterrightdel
Những chiếc lồng chim bền chắc, trau chuốt và tinh tế có thể làm hài lòng bất kỳ người nuôi chim nào.

Muốn có một chiếc lồng chim đáp ứng được các tiêu chí bền, đẹp và đáp ứng được yêu cầu của những người sành chơi, người thợ làng Vác phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như ngâm tre, luộc tre, hun tre, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh, làm cửa, làm cầu, rồi trang trí trên vanh, ráp lồng... Nhưng ưu điểm dễ nhận biết của những chiếc lồng chim của làng Vác chính là lớp nan lồng được chuốt đều tăm tắm, cùng những chi tiết khác đều rất tinh xảo, càng để lâu năm càng rắn chắc, bóng đẹp hơn. Và cái hay ở chỗ, lồng chim làng Vác với đủ kiểu dáng to nhỏ, đủ các kích cỡ dài ngắn, cao thấp, đủ hình vuông tròn khác nhau nhưng tất cả đều sẽ phù hợp với hình dáng và tập tính sinh hoạt của từng loại chim. Giúp lồng chim làng Vác được nhiều người trong nước ưa chuộng và đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Về làng Vác hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sức phát triển của làng nghề. Những chiếc lồng chim có chạm khắc hoa văn tinh xảo của làng Vác đã trở thành “thương hiệu” trong giới chơi chim, góp phần tạo nên nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt.

Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN-THU TRANG