Cô cháu gái con anh trai tôi đang học cấp phổ thông trung học thủ thỉ với vợ tôi: “Thím mua ổi ở đâu mà ngọt thế”. Vợ tôi bảo, “ổi địa phương đấy, ngon không?”. Cô cháu vừa nhai miếng ổi ròn tan trong miệng vừa gật gật đầu, miệng chúm chím ra điều đắc ý lắm.  

leftcenterrightdel

“Lão nông đất Thủ đô” Kiều Văn Đức trong vườn ổi của gia đình ở phía hữu ngạn sông Đuống (Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội).  

Quả “ổi địa phương” mà vợ tôi gọi là ổi Phúc Lợi. Vì nhà tôi ở phường ấy, nên vợ tôi gọi loại quả này với cái tên trìu mến như thế. Đem câu chuyện này kể với ông Kiều Văn Đức, người cho gia đình tôi túi ổi, làm quà mừng sinh nhật con trai. Ông “lão nông đất Thủ đô” cười rung râu: “Tưởng chuyện gì, những tình huống như thế tôi gặp nhiều lắm rồi”. Rồi ông kể, hôm trước, ông mang 70kg ổi từ vườn nhà tặng cán bộ, chiến sĩ Hải đội 4, Vùng 1 của Quân chủng Hải quân khi đi giao lưu theo chương trình phối hợp hoạt động mà Thành đoàn TP Hà Nội chủ trì, họ cứ tấm tắc khen mãi. Anh Phạm Trường Duyệt, Bí thư Đoàn phường Phúc Lợi đề xuất với ông Đức, đặt tên là “ổi từ thiện”.

Nghe chuyện của ông Đức, tôi lại nhớ lời kể của bà Kiều Thị Huệ, một trong những người trồng nhiều ổi nhất ở Phúc Lợi cách đây không lâu, trong một lần đến mua ổi làm quà biếu. Bà kể, mấy năm trước, biết tiếng ổi Phúc Lợi, giáp Tết Nguyên đán, nhiều người đến tận vườn để mua ổi làm quà. Các nhà vườn phải khóa cổng, không tiếp vì đã có người đặt tiền từ trước. Khách xếp hàng chẳng được, sốt ruột, tức khí phá cổng, khích bác nhau, rồi xảy ra xô xát giữa các bên, thậm chí ném điện thoại vỡ tung cả vỏ. May là can thiệp kịp thời nên chưa có thương tích.

Ông Kiều Văn Đức có 10 năm làm tổ trưởng tổ dân phố (tổ 6, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi và ông cũng chính là người trực tiếp tham gia vào phát triển việc trồng ổi ở địa phương. Với ông, chỉ cần nhìn thoáng qua nước da quả ổi là biết có phải ổi do trồng ở đất Phúc Lợi hay ổi từ địa phương khác mang đến nhờ thương hiệu, đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Đức kể, năm 2001, nhờ mối quan hệ quen biết, anh Trần Tuyết Hưng mang giống ổi Lê Đài Loan về trồng thử ở khu vườn của gia đình với diện tích khiêm tốn. Sau một thời gian chăm sóc, ổi ra quả và bắt đầu cho thu nhập tốt. Nhiều người trong vùng thấy vậy học theo và từ đó diện tích trồng ổi ở Phúc Lợi được mở rộng. Tuy nhiên, ổi Phúc Lợi chỉ phát triển mạnh từ năm 2009, khi doanh nghiệp lấy đất làm dự án xây dựng khu đô thị. Lúc đó, người dân ở Phúc Lợi chuyển ổi sang trồng ở bãi, phía hữu ngạn sông Đuống. Ổi trồng ở đây cho năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn. Khi ăn, ổi giòn, ngọt dịu chứ không sắc; ruột đặc, mềm vừa phải, hột ít. Người sử dụng đặc biệt thích ăn ổi Phúc Lợi sau khi để trong ngăn mát của tủ lạnh với thời gian vừa phải. Đặc biệt, ổi Phúc Lợi không có vị chát vốn có, đồng thời cũng không khuyếch tán mùi thơm rộng như ổi ta khi chín.

leftcenterrightdel

Khi cây ổi ra hòa, người trồng ổi ở Phúc Lợi phải tỉa bớt, không để quá dầy hoặc quá thưa.  

Để có thương hiệu ổi Phúc Lợi như hiện nay, người trồng ổi phải thực hiện quy trình làm đất, chọn giống, chăm sóc, tỉa cành, phun thuốc, bón phân rất cầu kỳ và công phu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đức chia sẻ, chỉ riêng phần làm phân bón thôi cũng rất tốn công. Người trồng ổi phải ủ ngô, đậu tương… vào các thùng trong thời gian nhất định, khi đã đạt được yêu cầu mới mang ra bón vào gốc với lượng nhất định theo chu kỳ cây ra hoa, kết trái hoặc khi cần thúc cho trái phát triển nhanh. Để giảm thiểu chi phí đầu vào sản phẩm, nhiều người tận dụng thức ăn thừa, cơm thừa để ngâm ủ cho hoai mục, làm thức ăn bón cho cây ổi. Ổi Phúc Lợi cho trái quanh năm, nhưng người trồng phải chăm tỉa cành để nhanh ra nhánh. Khi ổi ra hoa, người trồng phải tỉa bớt những hoa nhỏ, gầy, chỉ để lại những hoa to, mập, màu sắc tươi sáng. Khi hoa đậu quả to bằng ngón chân cái thì người trồng phải bọc xốp và túi bằng ni lông, tránh thuốc trừ sâu vào vỏ quả và tránh các loại côn trùng đốt làm ổi bị thối.

leftcenterrightdel

Khi quả ổi phát triển đến vị trí như thế này thì người trồng sẽ bọc xốp và ni lông, chống bị côn trùng đốt và thuốc bảo vệ thực vật xâm nhập.  

Đến nay, phường Phúc Lợi có khoảng hơn 20ha đất bãi trồng ổi và mang lại thu nhập khá cao cho người dân, đặc biệt là những gia đình trồng ổi. Gia đình ông Đức có khoảng một mẫu ổi. Năm 2015, ông thu từ ổi hơn 120 triệu đồng. Những gia đình trồng ổi với diện tích lớn từ 2ha trở lên như bà Kiều Thị Huệ, Kiều Thị Nhị, ông Trần Tuyết Hiển, thu nhập hằng năm từ ổi có thể đạt tới tiền tỷ.

Theo kinh nghiệm của ông Đức, những năm mưa nhiều, ổi Phúc Lợi sẽ không ngon. Nếu trời ít mưa, nhiệt độ không quá lạnh, ổi Phúc Lợi sẽ cho năng suất cao và chất lượng ngon. Tuy nhiên, điều ông Đức trăn trở nhất là hiện nay là, nhiều tiểu thương đã mang ổi từ nơi khác đến, mạo danh thương hiệu ổi Phúc Lợi để bán kiếm lời. Việc này rất khó kiểm soát và sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu ổi nói riêng cũng như các sản phẩm rau an toàn đã được phường Phúc Lợi đăng ký, được các cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận. Do vậy, để thưởng thức miếng ngon ổi Phúc Lợi, người sành ăn nên nhờ người địa phương đưa đến tận vườn của những cơ sở có uy tín để mua là tốt nhất.

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG