Đến trang trại Hoa Viên, gặp chi Hoa vừa đi rừng về. Chị bảo: “Bữa nay đi rừng thắng lớn”. Tôi lấy làm lạ là không thấy “chiến quả” nào được chị mang về từ rừng để minh chứng cho việc “thắng lớn”. Tôi đang băn khoăn thì chị Hoa cho hay, chị đi rừng phát hiện mấy trăm gốc bò khai to bằng bắp chân. Chị bảo bò khai mà gốc to như vậy thì lá ngon lắm. Mấy bữa nữa tổ chức đưa nhân công lên đánh về trang trại trồng.
Nhớ lại hồi đầu lên núi Vua Bà lập nghiệp, chị Hoa hồi tưởng: “Sợ nhất là côn trùng, động vật hoang dã. Còn bắt tay vào công việc, sợ nhất là làm cỏ”. Đã từng lên chơi trang trại Hoa Viên vài lần, tôi tận mục sở thị việc làm cỏ ở đây, phải nói là cực kỳ công phu. Thường để làm cỏ cho nhanh, người ta dùng hóa chất. Nhưng như vậy thì đất cũng bị nhiễm độc, và cây cối trồng lên thì sau này sản phẩm thu hoạch cũng bị ảnh hưởng. Còn để làm cỏ sạch một mảnh vườn ở vùng đất này, người làm công ở trang trại Hoa Viên phải mất sức đến vài năm mới xong.
|
|
Một góc trang trại Hoa Viên. |
Nhưng đúng là người không phụ đất, thì đất không phụ người. Giờ đây, 60ha đất ở trang trại Hoa Viên đã được bao phủ một màu xanh ngút ngàn. Các sản phẩm rau sạch hữu cơ, lợn sạch của Hoa Viên đã có tiếng ở thị trường Hà Nội.
Trang trại của chị Hoa bạt ngàn các loại rau rừng và rau bản địa như: Ngót rừng, bò khai, rau mỏ, dền chua, măng rừng, sung nếp, hoa và củ chuối rừng... Nơi này trước kia là khu vực sinh sống của người Mường. Đất chủ yếu bỏ hoang hoặc chăn thả bò. Nhìn thấy đất đai bị lãng phí, chị Hoa đã sang nhượng và mời chính những người Mường về canh tác, bón rau, nuôi lợn. Người dân địa phương được gia đình chị dạy cho các kiến thức cơ bản về làm nông, trồng rau. Giáo viên lên lớp chính là chị và cô con gái. Nông dân học còn được nhận tiền. Mỗi buổi từ 30 đến 50 nghìn đồng. Thường trong các buổi học, chị Hoa nhấn mạnh đến việc tuyệt đối không dùng các chế phẩm độc hại, thuốc diệt cỏ. Có bữa, thấy dưa chuột trồng trong vườn to quá cỡ, giận quá chị hái xuống, lấy chân giẫm nát hết làm phân bón. Sau chị giải thích cho người làm công rằng dưa chuột già nhìn thì to nhưng ăn thì đắng, chất không có nhiều như khi được thu hoạch đúng ngày.
Từ ngày có trang trại Hoa Viên, cuộc sống của người dân quanh vùng khấm khá hơn hẳn. Điều này không chỉ đến từ tiền công 5-6 triệu đồng/tháng/người, mà còn từ việc chị Hoa dạy cho nhân công của mình cách làm trang trại, vườn rau sạch với quy mô nhỏ, mùa nào thức ấy để người dân có thêm thu nhập.
Gia đình chị Hoa trồng rau sạch nhưng từ năm 2013 đến nay thì chuyển hẳn sang nông nghiệp hữu cơ. Chị giải thích vì đất ở đây là đất nguyên sinh chưa bị tác động bởi các tác nhân hóa học và các nguồn gây ô nhiễm. Từ thành công bước đầu của việc trồng rau hữu cơ, chị Hoa đang ấp ủ dự định trồng các loại cây thảo dược hữu cơ, cây chống oxy hóa và chống lại sự phát triển của các tế bào ác tính. Trước khi chia tay tôi, chị bảo: “Công làm cỏ là công ăn”, thôi thì mình cứ chăm chỉ lao động, tin rằng thành quả trước sau gì cũng đến”.
Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG